Cách viết bản mô tả sáng chế

0
996

Về cơ bản bản mô tả sáng chế phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Phần mô tả thuộc bản mô tả sáng chế phải nêu được bản chất của giải pháp kỹ thuật được đăng ký. Trong phần mô tả phải có đầy đủ các thông tin để bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó; thể hiện được tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng sáng chế.

Nội dung Bản mô tả sáng chế

– Tên sáng chế:

yêu cầu thể hiện được một cách ngắn gọn, rõ ràng về đối tượng, chức năng hay lĩnh vực kỹ thuật và bản chất của đối tượng được đăng ký. Cần đồng nhất với bản chất của sáng chế sẽ được trình bày chi tiết ở phần Mô tả bản chất. Không nên sử dụng văn phong mang tính chất quảng cáo, nên sử dụng văn phong như trong viết một bài báo;

– Lĩnh vực sử dụng sáng chế:

Cần chỉ ra được lĩnh vực kỹ thuật mà sáng chế được áp dụng  hoặc liên quan tới nhằm khẳng định khả năng ứng dụng của nó. Cần phù hợp với lĩnh vực trong phân loại sáng chế quốc tế.

– Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế:

Nêu được một số thông tin cơ bản về các đối tượng đã biết (nếu có) với đầy đủ trích dẫn như: tác giả, nơi xuất bản, năm xuất bản, số trang … Cần chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm của những giải pháp đã sử dụng gần đây nhất, từ đó cần thiết phải xây dựng một sáng chế hoặc giải pháp kỹ thuật khác;

-Phần mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế:

Nên mở đầu bằng việc trình bày mục đích một cách khách quan, cụ thể mà sáng chế cần đạt được hoặc những vấn đề cần giải quyết, khắc phục những nhược điểm đã đề cập ở phần Tình trạng kỹ thuật và những lợi ích của nó. Chỉ ra được cụ thể những điểm ưu việt, khác biệt trong sáng chế của bạn nhằm khắc phục một phần hoặc toàn diện những nhược điểm trên. Chỉ ra được các dấu hiệu đã sử dụng để mô tả bản chất ở mỗi dạng khác nhau, như ở dạng cơ cấu, bao gồm: các chi tiết, cụm chi tiết, hình dạng, vật liệu, kích thước, vị trí, chức năng và sự liên kết của chúng; ở dạng chất, bao gồm: các hợp phần cấu tạo nên chất, tỷ lệ các hợp phần, cấu trúc phân tử, các đặc tính về hóa lý…; ở dạng phương pháp có thể là: công đoạn, trình tự thực hiện mỗi công đoạn, các điều kiện kỹ thuật hay các phương tiện, thiết bị để thực hiện mỗi công đoạn.

– Phần mô tả vắn tắt các hình vẽ (nếu cần):

 Cần được thể hiện một cách dễ hình dung với các giải thích cụ thể về thông tin, công cụ hoặc kết quả đã nêu.

Một số quy tắc đối với hình vẽ:

+ Hình vẽ về cơ cấu: cần mô tả theo cơ cấu ở trạng thái tĩnh theo các số liệu chỉ dẫn, trình bày cụ thể các đặc điểm kết cấu. Sau đó, cần mô tả được sự hoạt động của nó bao gồm: trình tự làm việc, sự tương tác giữa các chi tiết cấu thành;

+ Hình vẽ phương pháp: lột tả được trình tự thực hiện và điều kiện cụ thể để thực hiện các công đoạn (nếu có);

+ Hình vẽ đối với chất: mô tả các đặc trưng của nó như công thức hoá học, thành phần…  để giúp người xem có thể hiểu rõ và nhận biết được;

+ Hình vẽ về vật liệu sinh học: Nếu khó mô tả thì cần chỉ ra các dữ liệu về nguồn gốc, lưu trữ của nó,về thành phần định lượng,định tính của môi trường hình thành ra nó …

+ Hình vẽ đối với dạng sử dụng: thể hiện chi tiết cách sử dụng sao cho mỗi người quan tâm đều có thể sử dụng với kết quả như dự định.

– Phần ví dụ thực hiện sáng chế:

 Cần chỉ ra một vài ví dụ khi thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích nhằm bảo đảm tính khả thi khi áp dụng sáng chế trong thực tế.

 – Phần hiệu quả của sáng chế:

 Cần đưa ra các hiệu quả kỹ thuật đối với kinh tế, xã hội, những đặc tính ưu việt của sáng chế so với những đối tượng đã biết.

– Phần yêu cầu bảo hộ:

Yêu cầu bảo hộ cần phù hợp với bản mô tả và hình vẽ, thể hiện được dấu hiệu cơ bản của sáng chế, không bao gồm các chỉ dẫn về Bản mô tả và các hình vẽ, mỗi điểm độc lập chỉ đề cập đến một đối tượng yêu cầu bảo hộ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here