14.07.2017
Đây không hề là câu hỏi nhàn rỗi. Cũng như con người, rác thải trên hành tinh tích tụ ngày càng nhiều.
Trên các đại dương hiện đã có vài hòn đảo nổi hoàn toàn là rác thải với đường kính vài chục kilomét cản trở hoạt động hàng hải. Đảo Gyre nằm giữa quần đảo Hawaii và California đã biến thành bãi rác khổng lồ nhất thế giới diện tích 6.000 kilômét vuông. Chở tới đây chủ yếu là rác nhựa rất độc hại. Bãi rác này còn có tên gọi “Vệt rác Thái Bình Dương”. Nước Thái Bình Dương ở đây hoàn toàn là biển chết.
Tình hình trên các châu lục cũng không khả quan hơn. Hàng ngày bãi rác của California tiếp nhận 1.600 xe với hơn 10.000 tấn rác. Chiều cao của bãi rác này là 150 mét.
Một bãi rác ở New York mở cửa vào năm 2001 đang tiếp nhận khối lượng rác thải mỗi ngày là 13.000 tấn.
Để thoát khỏi các bãi rác có những cách khác nhau: chôn lấp rác thải, đốt và tái chế. Việc chôn lấp đòi hỏi diện tích lớn và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường. Công tác thiêu hủy chỉ có tác dụng nếu rác trước đó được chặt chẽ phân loại, tách các loại giấy và nhựa thải, rác điện tử và y tế… Tại châu Âu người ta áp dụng nhiều cách khác nhau để thúc đẩy người dân tự giác phân loại. Ví dụ, công dân tích cực tham gia chương trình thu gom chất thải riêng biệt được nhà chức trách Hà Lan cấp cho các phiếu giảm giá đặc biệt về phí nhà ở và dịch vụ xã hội.
Nếu đốt rác thải không phân loại thì khối lượng chất thải không cháy sẽ đọng lại đến một phần ba so với khối lượng ban đầu. Số một phần ba này độc hại hơn nhiều so với hai phần ba đã được đốt. Không những thế mà còn tạo ra chất khí cực kỳ độc hại, đặc biệt như dioxin có trong chất diệt cỏ Mỹ đã rải xuống Việt Nam.
Ở Việt Nam chưa có công tác phân loại rác thải, người ta thả vào lò thiêu các chất thải khác nhau kể cả có chứa chất cực kỳ nguy hiểm như clo và flo, các kim loại nặng, — ông Sergey Popov, chủ nhiệm phòng thí nghiệm công nghệ plasma Viện các vấn đề điện vật lý và điện lực tại St. Petersburg nói. Ông tham gia nhóm các nhà khoa học Nga thăm Việt Nam theo lời mời của Viện Công nghệ VinIT. Trong cuộc họp với các đồng nghiệp và doanh nhân địa phương, ông đã giới thiệu với họ công nghệ hoàn toàn mới — khí hóa plasma rác thải do phòng thí nghiệm của ông sáng chế.
Công nghệ này có nhiều ưu điểm so với công nghệ đốt rác cổ điển trong các nhà máy xử lý chất thải. 70% chi phí của các nhà máy này là hệ thống làm sạch khí, vì mỗi tấn chất thải được đốt tạo ra từ 6 đến 12 tấn khí thải độc hại. Phương pháp khí hóa plasma chất thải làm giảm chỉ số này xuống còn 1 tấn khí từ 1 tấn rác thải. Với nhiệt độ trung bình khí hóa plasma là hơn 1.500 độ C tất cả các chất độc hại chắc chắn sẽ bị phân hủy tới thành phần nguyên tử.
Có nghĩa công nghệ không đòi hỏi qui trình tiền phân loại rác và có thể sử dụng cho hầu hết các chất thải hóa học nguy hiểm. Hiệu quả của đuốc plasma công suất bằng một nửa Megawatt — tâm điểm của quá trình khí hóa plasma, là 93%. Tia plasma biến các chất thải thành cái gọi là khí tổng hợp, có thể sử dụng để phát điện hoặc sản xuất một số hóa chất. Như chúng ta đã đề cập với phương pháp thiêu rác thông thường cặn rác chiếm một phần ba khối lượng rác thải ban đầu, khí hóa plasma cho cặn rác là 0,25%!
Các chuyên gia Việt Nam đánh giá cao phương pháp của các nhà khoa học Nga. Như Giáo sư Viện Nghiên cứu Điện lực Moskva Nguyễn Quốc Sỹ, một trong những sáng lập viên của Viện Công nghệ VinIT đã nói tại cuộc hội thảo giữa các nhà khoa học của hai nước, kỹ thuật này có thể được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là tại Hà Nội, nơi hàng ngày có tới 5 nghìn tấn rác thải sinh hoạt và 16 tấn rác thải y tế.
Trong chuyến thăm LB Nga mới đây, Chủ tịch Việt Nam đã nhấn mạnh đến sự cần thiết mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ cao. Cuộc gặp của các nhà khoa học Nga và Việt Nam vừa qua chính là một bước quan trọng theo hướng này.
Nguồn: vn.sputniknews.com