Dự án nghiên cứu chế tạo gạch cổ Chăm (Mỹ Sơn)

0
1306

1. Tên nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu công nghệ chế tạo gạch cổ Chăm.

2. Tính cấp thiết

Tháp Chăm khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, cũng như các Tháp Chăm trên cả nước, tập trung chính ở các tỉnh Nam Trung bộ có giá trị lớn lao về văn hóa, lịch sử; do vậy cần được bảo tồn, gìn giữ là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm hiện nay và lâu dài mai sau.

Tại Mỹ Sơn, các khu đền tháp được xây dựng trên những ngọn đồi thấp được ví như những “ngọn đuốc rực đỏ” giữa màu xanh của cỏ cây, núi rừng. Trong khu di tích có 320 ha là khu trung tâm và 1.158 ha rừng với nhiều loài động thực vật quý hiếm, được bảo vệ nghiêm ngặt. Với những giá trị văn hóa đặc trưng, năm 1999 Khu di tích Mỹ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Theo chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Thủy, Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ IV và phát triển trong thế kỷ VII, XIII. Khu di tích có tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng nhất của nghệ thuật Chăm, với hơn 70 kiến trúc đền tháp và một số lớn bia ký có niên đại trong nhiều thế kỷ.

Song đến nay, Mỹ Sơn chỉ còn khoảng gần 20 đền, tháp. Các đền, tháp nơi đây có tư thế vút lên cao, biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết, được xây bằng gạch với kỹ thuật tinh tế.

Đền tháp Mỹ Sơn được bố trí theo tổng thể một đền thờ chính nằm ở giữa tượng trưng cho ngọn núi, trung tâm vũ trụ, nơi ngự trị của thần linh, gồm 3 phần (đế tháp, thân tháp và mái tháp). Đế tháp được xây vuông hoặc hình chữ thập, tượng trưng cho thế giới trần tục; quanh đế tháp được trang trí các mô típ hoa văn hoặc những hình động vật, hình người cầu nguyện mặt kala, makala hay là các vũ nữ, nhạc công… Những thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thời tiết cùng với những năm tháng chiến tranh đã làm cho Khu di tích Mỹ Sơn xuống cấp trầm trọng.

Đợt tu bổ, bảo tồn lớn do Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chỉ đạo thực hiện vào thập niên 30 của thế kỷ XX được xem là đợt tu bổ, bảo tồn đầu tiên ở Mỹ Sơn sau khi Khu đền tháp Mỹ Sơn được phát hiện lại, là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử hiện đại của khu di sản.
Trong đó, cụm đền tháp B-C-D với vị trí trung tâm cùng với mật độ dày đặc các công trình với nhiều loại hình kiến trúc đa dạng đã trở thành biểu tượng chung cho Di sản Văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn. Hình ảnh cụm đền, tháp này được như ngày nay là do chúng đã được tu bổ, gia cố và tôn tạo một phần trong đợt tu bổ ở thập niên 80 của thế kỷ XX với sự giúp đỡ của các chuyên gia về tu bổ di tích của Ba Lan, trở thành một trong những hình mẫu cho công cuộc bảo tồn và tu bổ các đền, tháp ở Mỹ Sơn sau này.

Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó Trưởng Ban quản lý (BQL) Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, công tác gia cố, tu bổ và phục hồi từng phần các di tích kiến trúc trong Khu đền tháp Mỹ Sơn là một trong những hoạt động trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị cơ bản của di sản. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, BQL Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, tu bổ các đền tháp bị xuống cấp.

Gần đây nhất, từ tháng 3 đến 5-2017, BQL phối hợp với nhóm chuyên gia Ấn Độ đã triển khai dự án khai quật và trùng tu khu tháp K, H tại Khu di tích Mỹ Sơn. Đặc điểm thực tế trước khi triển khai dự án là khu tháp H tọa lạc trên một ngọn đồi, hầu hết các ngôi tháp tại đây đã bị tác động của thời gian và chiến tranh làm hư sập trở thành phế tích, chỉ còn mảng tường phía Tây tháp H1 cao gần 7m, lộ rõ những đường gờ dọc và các giật cấp ngang sắc sảo, bề mặt gạch tương đối chắc, tường khá phẳng không có điêu khắc hoa văn.

Còn khu tháp K tình trạng cũng tương tự như nhóm tháp H, hư sập nhiều chỉ còn 2 bức tường hai bên. Khu tháp này hầu như chưa có dấu vết can thiệp nào của công tác bảo tồn qua các giai đoạn trùng tu ở Mỹ Sơn.

Ông Nguyễn Công Khiết cho rằng việc trùng tu, tôn tạo các đền tháp đến nay còn gặp những trở ngại lớn về phương pháp – kỹ thuật, vật liệu, chất liệu. Do đó, công việc tìm kiếm vật liệu trùng tu ở Mỹ Sơn chỉ có thể phát triển theo hướng tìm kiếm các vật liệu có các đặc tính gần giống nhất với vật liệu gốc, có thể đạt được tương đồng về cấu trúc khối xây, đồng nhất về kết cấu song không gây hại cho vật liệu gốc.

Ngoài ra, sự tác động của môi trường ngày một khắc nghiệt do biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó những ảnh hưởng lên di tích hằng năm như lũ cục bộ tại di tích vào các tháng mùa mưa, nắng nóng khắc nghiệt gây những khó khăn trong công tác bảo tồn và trùng tu khu di sản…

3. Luận cứ và năng lực tổ chức thực hiện

Các chuyên gia Nga và Viện Công nghệ VinIT đã nghiên cứu tại Tháp Chăm ở Mỹ Sơn 2014, bước đầu chế tạo một số mẫu gạch đang đặt tại Tháp B4, cụ thể là: 7/2015 (5 mẫu) và 5/2017 (7 mẫu). Các mẫu này được thử nghiệm trong môi trường tự nhiên do Ban quản lý di tích Mỹ Sơn theo dõi và quản lý.

(Video về chuyên gia Nga làm việc Tại Mỹ Sơn về bảo tồn Tháp Chăm)

4. Mục tiêu

– Nghiên cứu công nghệ tạo ra loại gạch tương đương với vật liệu gốc gạch cổ Chăm.
– Làm cơ sở sản xuất gạch phục vụ phục chế, bảo tồn theo chương trình của Chính phủ, của địa phương.

5. Những nội dung KH&CN cần phải giải quyết

– Nghiên cứu thông tin sáng chế về phương pháp tạo ra gạch tương đương gạch cổ Chăm;
– Đánh giá chính xác thành phần vật liệu gạch xây dựng Tháp Chăm (vật liệu gốc) do người cổ thực hiện.
– Thử nghiệm, phân tích, tích hợp các loại vật liệu để chế tạo gạch đảm bảo yêu cầu trên cơ sở tương đồng vật liệu gốc.
– Hoàn thiện công nghệ chế tạo gạch tương đương gạch cổ Chăm (quy mô công nghiệp);
– Chế tạo ra loại gạch tương đương vật liệu gốc (quy mô công nghiệp);
– Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất gạch phục vụ cho việc phục chế, bảo tồn.

6. Dự kiến sản phẩm tạo ra

– Báo cáo tổng quan về thông tin sáng chế công nghệ chế tạo gạch cổ Chăm;
– Báo cáo về thành phần vật liệu gạch cổ Chăm và gạch được chuyên gia nghiên cứu chế tạo.
– Tổ chức các hội thảo khoa học để đánh giá kết quả công nghệ và vật liệu được nghiên cứu chế tạo.
– Phục chế thử nghiệm 01 đơn nguyên khu quần thể Tháp Thánh địa Mỹ Sơn.
– Báo cáo quy trình công nghệ sản xuất gạch phục vụ cho việc phục chế, bảo tồn.

Các mẫu gạch Mỹ Sơn đang phơi thí nghệm

7. Khả năng ứng dụng

– Ứng dụng vào công tác phục chế, bảo tồn theo chương trình của Nhà nước tại Di tích thánh địa Mỹ Sơn.
– Ứng dụng vào công tác phục chế, bảo tồn các tháp Chăm tại các tỉnh trong cả nước và nước ngoài.

8. Hiệu quả

– Hiệu quả kinh tế xã hội: giải quyết bài toán phục chế, bảo tồn tháp Chăm hiện đang là mối quan tâm của Chính phủ, chính quyền địa phương và Tổ chức quản lý Di sản của UNESCO;
– Hiệu quả văn hóa: Tạo ra giá trị bền vững của các di tích tháp Chăm.

(Ảnh: TS Aleksei Pakhnevich chuyên gia Nga sang VN làm việc vào tháng 4 – 2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here