Gấp rút giải quyết vấn đề xử lý rác thải y tế trong đại dịch Covid-19

0
393

GDVN- Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: “Công nghệ Plasma sẽ tiêu hủy triệt để lượng lớn rác thải y tế nguy hại chứa virus SARS-COV-2 đang tồn đọng và phát sinh hiện nay”.

Những trăn trở về vấn đề rác thải y tế trong thời kỳ dịch bệnh

Là nhà khoa học Vật lý và Công nghệ Plasma, cũng là người đầu tiên đặt nền móng công nghệ Plasma tại Việt Nam, Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ – Viện Trưởng Viện Công nghệ VinIT đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xoay quanh vấn đề xử lý rác thải trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.


Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ (bên phải) – Viện Trưởng Viện Công nghệ VinIT, người đầu tiên đặt nền móng công nghệ Plasma tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, rác thải y tế được xếp vào loại rác thải nguy hại, phải xử lý trong các lò đốt nhiệt độ cao.

Đặc biệt, hiện nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, nỗi lo về rác thải y tế không đơn thuần là các chất độc hại thải ra từ các cơ sở y tế mà còn có một lượng lớn rác thải rắn chứa virus SARS-COV-2. Nếu không xử lý tốt thì đây là mối nguy lớn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

“Nguy cơ lây nhiễm chéo ra cộng đồng từ các nguồn rác thải y tế nhiễm vi khuẩn, virus độc hại là rất lớn. Theo thống kê, mỗi ngày từ các khu cách ly, bệnh viện thải ra hàng trăm tấn rác thải y tế gồm bông băng, các mẫu bệnh phẩm, kim tiêm, vật dụng, các chất thải khác từ quá trình điều trị,…Đây là nguồn rác thải y tế nguy hại nhiễm vi khuẩn, virus và có khả năng lây nhiễm chéo ra cộng đồng trên diện rộng, rất nguy hiểm.

Rác thải y tế thường sẽ được xử lý trong các lò đốt nhiệt độ cao với nhiệt độ từ 850 độ trở lên.

Vấn đề ở Việt Nam hiện nay là nhiều lò đốt còn chưa đạt chuẩn, lại thải ra môi trường lượng lớn khí thải cực độc là Dioxin và Furan. Vì vậy, việc xử lý chất thải rắn y tế trong đại dịch Covid-19 càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cần phải ứng dụng những công nghệ mới để xử lý các chất thải độc hại một cách triệt để nhất. Để xử lý rác thải y tế nhiễm virus gây bệnh, tôi đề nghị nên ứng dụng kỹ thuật công nghệ Plasma – vừa tiêu hủy 100% chất thải, vừa xử lý tuyệt đối vấn đề về khí thải ra môi trường”, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ khẳng định.


Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ và các nhà khoa học tin rằng, công nghệ Plasma là một bước tiến mới trong xử lý rác thải. (Ảnh: VTV)

Thời gian qua trước tình trạng dịch bệnh diễn biến nhanh, khối lượng chất thải y tế từ bệnh viện, khu cách ly, thậm chí là các khu phong tỏa mỗi ngày lên đến hàng trăm tấn. Hàng trăm tấn rác đó cần phải xử lý triệt để, việc triển khai xử lý rác bằng công nghệ Plasma càng cấp thiết hơn.

Đây là công nghệ mà Viện Công nghệ VinIT đã nghiên cứu, chế tạo thành công, tạo ra hệ thống đầu phát Plasma công suất lớn, sẵn sàng ứng dụng để xây dựng những lò Plasma xử lý các chất thải rắn nguy hại, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại nhiễm virus SARS-COV-2.

Plasma – công nghệ ưu việt, vì môi trường sống xanh

Tất cả các lò đốt rác hiện nay của Việt Nam dựa trên phản ứng oxi hóa đều đã và đang tạo ra một lượng lớn khí thải cực độc là Dioxin và Furan vào môi trường.

Trong khi đó, phản ứng đốt rác bằng dòng Plasma không dựa trên phản ứng oxi hóa như các lò đốt thông thường. Nhiệt độ cao cần thiết để đốt và khí hóa rác không phải được tạo ra từ phản ứng oxy hóa rác mà từ dòng Plasma, vì vậy mà lượng Dioxin và Furan tạo ra cực thấp.

Ngoài ra, sử dụng dòng Plasma có thể nâng nhiệt độ đốt rác nên rất cao, đảm bảo phân tách và khí hóa triệt để các phân tử gốc C, H, O, Cl, F, Br, I tới cấp độ phân tử đơn giản hoặc nguyên tử không độc hại cho môi trường.

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ luôn trăn trở về vấn đề môi trường, xử lý rác thải ở nước ta hiện nay. (Ảnh: Truyền hình Quốc phòng)

“Trong các lò đốt Plasma, nhiệt độ trung bình có thể lên đến 1700 – 1800 độ, còn trong dòng Plasma có thể lên đến 10.000 độ.

Với nhiệt độ cao như thế và quy trình được bố trí hợp lý thì 100% khí thải ra đều được xử lý không có Dioxin và Furan, ngoài ra lượng khí thải ra cũng rất ít do đã được hóa khí một cách triệt để ở nhiệt độ cao.

Ngoài ra, hàm lượng tro bụi và xỉ thải vào môi trường cũng là thấp nhất do rác được phân tách triệt để ở nhiệt độ cao và hàm lượng C và H được khí hóa triệt để”, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ khẳng định.

Từ năm 2019, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ và các nhà khoa học của Viện Công nghệ VinIT đã nghiên cứu và chế tạo thành công đầu phát Plasma ba pha công suất lớn 400 kW. Cũng từ đây, các nhà khoa học kỳ vọng việc ứng dụng công trình này trong xử lý rác thải ở Việt Nam sớm được thực hiện.

“Dẫu vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn liên quan đến việc thẩm định, cấp phép của các cơ quan, ban ngành.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục yêu cầu đơn vị, cơ quan chức năng quan tâm, xem xét để công nghệ này nhanh chóng được ứng dụng vào thực tiễn”, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ.

Thử nghiệm hệ thống đầu phát Plasma công suất lớn. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo nhà Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, để có thể ứng dụng công nghệ Plasma vào thực tiễn, giải quyết vấn đề về rác thải, môi trường trên quy mô lớn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, phải có sự chung tay triển khai ứng dụng này từ phía các cơ quan, ban ngành, bắt đầu từ việc các cơ quan, các bộ phận có thẩm quyền tiến hành thẩm định, xem xét, đặc biệt là kiểm tra, kiểm định trực tiếp hệ thống ứng dụng công nghệ Plasma. Quá trình thẩm định với sự tham gia của các chuyên gia trong ngành, chuyên gia ngoài nước để có đánh giá khách quan, tổng thể ứng dụng này.

Thứ hai, việc xây dựng hệ thống xử lý rác thải bằng lò đốt Plasma cần sự chung tay hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, của các các doanh nghiệp về kinh phí, thiết bị và cả yếu tố con người, bao gồm các cán bộ, kỹ sư, nhà khoa học.

Thứ ba, cần phải tiến hành phân loại rác để ứng dụng công nghệ này hiệu quả nhất.

Cụ thể, đối với rác thải rắn nguy hại, rác thải có chứa virus SARS-COV-2 hiện nay sẽ thích hợp xử lý qua lò Plasma bằng công nghệ thiêu kết. Còn với rác thải rắn sinh hoạt thì nên ứng dụng công nghệ đặc biệt hơn là khí hóa Plasma, để làm sao chuyển cacbohidrat qua các dòng Plasma thành khí tổng hợp là CO và H2 để chạy máy phát điện, bù lại điện năng cho các đầu phát Plasma.

Nếu xử lý rác đầu vào, phân loại rác tốt để ứng dụng các hệ thống công nghệ thích hợp như thiêu kết hay khí hóa Plasma thì sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.

“Từ câu chuyện rác thải y tế thời kỳ dịch bệnh, chúng ta cần phải xem lại cách chúng ta đang xử lý rác thải, từ rác thải nhựa, rác thải nhiễm độc, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế đến rác thải điện tử…

Chúng ta chủ yếu sử dụng biện pháp chôn lấp hoặc xử lý qua những lò đốt chưa đạt chuẩn, đây là một cách xử lý ‘lợi bất cập hại’.

Rác thải không chỉ là vấn đề về môi trường, mà còn là vấn đề văn hóa, an sinh xã hội. Chúng ta từng chứng kiến câu chuyện người dân chặn không cho xe vào bãi rác vì quá ô nhiễm, gây ra những xáo trộn trong cuộc sống.

Chính phủ và các ban ngành cần tập trung xử lý vấn đề này, cần đầu tư nguồn lực lớn giải quyết nhanh chóng và hiệu quả bài toán môi trường; nhanh chóng, khẩn trương xây dựng một nền công nghiệp xử lý rác, tái chế rác, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao để giảm thiểu tác hại lớn từ rác”, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ khẳng định.

Theo Báo Giáo dục Việt Nam.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here