Giảm thiểu ô nhiễm thạch tín (Asen) trong nước ngầm tầng nông

0
1136

Trong vòng hơn 10 năm bền bỉ nghiên cứu, các nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững (CETASD), Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN phối hợp với các nhà khoa học quốc tế thuộc Trường ĐH Columbia – Hoa Kỳ đã thu được những kết quả có giá trị.
Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đã được tạp chí Nature – tạp chí khoa học hàng đầu thế giới đăng tải vào giữa tháng 9/2013.
Nature là một tạp chí uy tín hàng đầu thế giới, có chỉ số ảnh hưởng IF = 38. Hàng năm, tạp chí này nhận được hơn 10.000 bài báo khoa học nhưng chỉ 8% trong số đó lọt qua vòng bình duyệt và được công bố. Các công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí này đều đạt trình độ nghiên cứu cơ bản xuất sắc, có tính đột phá, có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với cộng đồng khoa học mà còn đối với cả xã hội. Trên thế giới, số lượng bài báo xuất bản trên tạp chí Nature không chỉ là chỉ số đánh giá phát minh và tài năng cá nhân các nhà khoa học mà còn đánh giá trình độ khoa học của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, thậm chí là trình độ khoa học của một quốc gia. Trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam có 5 công trình (thực hiện tại Việt Nam) được đăng tải trên tạp chí này.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu đầu tiên vào năm 1998, CETASD đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức quốc tế UNICEF tại Hà Nội đặc biệt quan tâm và cho thực hiện nghiên cứu điều tra khả năng ô nhiễm Asen. Năm 1999, những kết quả của cuộc điều tra này đã được sử dụng làm cơ sở khoa học cho việc tổ chức hội thảo quốc gia đầu tiên tại Việt Nam về ô nhiễm Asen trong nước ngầm, giúp Chính phủ xây dựng “Chiến lược hành động quốc gia về nghiên cứu ô nhiễm Asen trong nước ngầm và giải pháp khắc phục” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Trong công trình này, các nhà khoa học ĐHQGHN đã có đóng góp từ việc đề xuất ý tưởng đến việc trực tiếp bố trí thực nghiệm, khảo sát hiện trường và xử lý số liệu. Ô nhiễm Asen trong nước ngầm tầng nông là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe con người ở các nước đang phát triển. Tại đồng bằng sông Hồng, nước ngầm đang là nguồn nước chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của một trong những khu vực đông dân cư nhất thế giới. Trước nguy cơ đó, từ năm 1998 đến nay, CETASD đã cùng hợp tác với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu uy tín trên thế giới để triển khai hướng nghiên cứu về ô nhiễm Asen trong nước ngầm tại Việt Nam. Mục đích của công trình nghiên cứu nhằm phát hiện và khoanh vùng những khu vực ô nhiễm, đồng thời tìm hiểu cơ chế phát sinh ô nhiễm Asen để có biện pháp giảm thiểu.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phát triển và tạo một mô hình dự đoán ô nhiễm Asen trên toàn đồng bằng châu thổ sông Hồng dựa trên dữ liệu địa chất 3 chiều.

Nghiên cứu được thực hiện tại bãi giếng khoan xã Vạn Phúc nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km về phía Đông Nam. Đây là vùng chuyển giữa hai môi trường có nồng độ Asen hoà tan thấp và cao rất sắc nét. Đặc biệt, vùng ranh giới chuyển tiếp này đang có nguy cơ di chuyển về phía Tây tương ứng với sự tăng cường mức độ khai thác nước ngầm ở Hà Nội.
Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng sự ô nhiễm Asen trong các tầng nước ngầm được làm tăng thêm bởi các hoạt động của con người, ví dụ như sự khai thác một khối lượng nước ngầm từ các tầng nước Pleistocene. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng cho các khu vực bị nhiễm độc Asen khác trên thế giới với hệ thống dòng chảy ngầm tương tự và có hoạt động khai thác nước từ các tầng ngậm nước sâu với tốc độ cao.
Công trình đã đưa ra bản đồ ô nhiễm Asen và một số nguyên tố khác như Mangan, Bari, Selen trong nước giếng khoan ở toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng. Những bản đồ này có thể là nguồn dữ liệu hữu ích cho việc giảm thiểu Asen vì dựa vào đó có thể xác định được vị trí và độ sâu có hàm lượng Asen trong nước thấp để khoan giếng khai thác nước ngầm. Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng cho khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như các khu vực đồng bằng khác trên thế giới có điều kiện tương tự.
Công trình được hoàn thành nhờ sự tài trợ một phần của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted).
Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC VỀ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU:
PGS.TS. Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Công nghệ, Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường, Bộ Y tế:
Công trình đã phản ánh hiện trạng ô nhiễm Asen và một số thành phần hoá học khác như: Sắt, Mangan, Amoni, Bari, Selen trong nước ngầm trên khu vực đồng bằng sông Hồng một cách hệ thống, chi tiết và có độ tin cậy cao. Ngoài ra, công trình cũng nêu lên mối liên quan giữa việc khai thác nước ngầm diện rộng không kiểm soát trong thời gian dài với quá trình vận động và lan truyền của Asen sang các tầng nước chứa nước sâu hơn vốn không bị ô nhiễm Asen. Công trình nghiên cứu vừa mang tính cơ bản vừa mang tính ứng dụng cao. Công trình nghiên cứu có thể được áp dụng cho công tác dự báo chất lượng nước ngầm, quản lý và khai thác nước ngầm bền vững không những tại VIệt Nam mà còn cho những nước khác có điều kiện thuỷ địa hoá tương tự tại châu Á.
PGS.TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hoá học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN
Từ năm 1998, tôi đã đề xuất và tham gia đề tài nghiên cứu về khả năng và nguyên nhân nhiễm Asen trong các nguồn nước, đặc biệt là nước ngầm tại Việt Nam với các đồng nghiệp tại Trung tâm CETASD và Viện Eawag, Thuỵ Sĩ và đã có những công bố đầu tiên về vấn đề này trên tạp chí quốc tế (Environmental Science and Technology, 2001). Từ đó đến nay, Trung tâm CETASD vẫn tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này với nhiều nhánh khác nhau như đánh giá hiện trạng ô nhiễm, tác động sức khoẻ cộng đồng, cơ chế vận động Asen trong các tầng ngậm nước và các giải pháp xử lý Asen. Trung tâm CETASD đã tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống, bài bản theo chuẩn mực quốc tế. Một trong những kết quả nổi bật là công trình này được đăng trên tạp chí hàng đầu về khoa học cơ bản của Hoa Kỳ có chỉ số Impact Factor 9,7.
Công trình đã lấy mẫu nghiên cứu từ 512 giếng khoan trên gần như toàn bộ diện tích đồng bằng châu thổ sông Hồng với mật độ 25km2/giếng (ngẫu nhiên về địa lý và các tầng ngầm nước nông, sâu khác nhau) trong 3 đợt (tháng 5, 6 năm 2005; tháng 11, 12 năm 2005 và tháng 1 năm 2007). Ngoài Asen, 32 chỉ tiêu hoá học khác đã được phân tích theo các quy trình chuẩn và trên các thiết bị tin cậy.
Công trình nghiên cứu đã trình bày kết quả tổng quát về hiện trạng ô nhiễm Asen tại vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và nguy cơ lan truyền xuống tầng chứa nước sâu hơn vốn ít bị ô nhiễm do hoạt động khai thác nước ngầm trong thời gian dài. Kết quả nghiên cứu là sự cảnh báo tác hại của việc khai thác nước ngầm không kiểm soát có thể làm biến đổi chất lượng nguồn tài nguyên quý giá của thiên nhiên ban tặng cho con người. Các tác giả đã sử dụng phần mềm 3D tiên tiến trong việc mô phỏng và dự đoán chiều hướng vận chuyển của Asen trong tầm ngậm nước.
Dựa vào các kết quả nghiên cứu công bố của công trình, đặc biệt là các bản đồ ô nhiễm điểm và 3D, có thể giúp cho người quan tâm có một cái nhìn khái quát và xác định một cách sơ bộ các vùng nguy cơ ô nhiễm Asen và các chất độc hại khác. Công trình này có thể sẽ giúp ích cho các nhà quản lý hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng liên quan đến việc khai thác và sử dụng nước ngầm an toàn và bền vững hơn.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Công trình đã phát triển và tạo ra mô hình dự đoán Asen trong nước ngầm trên cơ sở sử dụng mô hình địa chất 3 chiều lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra khả năng hoà tan Asen ở tầng sâu do tác động của các hoạt động của con người trên mặt đất, nhất là hoạt động khai thác nước ngầm với tốc độ lớn. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra bản đồ có thể dự đoán nồng độ Asen ở các vị trí độ sâu nhất định, phục vụ mục đích khai thác. Đây là công trình có ý nghĩa thực tiễn trong việc cảnh báo nguy cơ ô nhiễm Asen tại vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng xuống các tầng sâu, giúp các nhà quản lý hoạch định quy hoạch, chính sách khai thác nước ngầm trong tương lai, bảo đảm, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước nói chung của Việt Nam và thế giới.

Ngày 28/11/2013 vừa qua, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành quyết định trao tặng Giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu năm 2013. Cùng với 3 công trình khoa học khác, công trình “Cơ chế làm chậm sự di chuyển của Asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene” của nhóm tác giả: GS.TS. Phạm Hùng Việt, TS. Phạm Thị Kim Trang, ThS. Vi Mai Lan, ThS. Nguyễn Ngọc Mai, ThS. Đào Mạnh Phú đã được nhận Giải thưởng này./.

Theo Thiên Bình – VNU Media

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here