Hội thảo khoa học “Xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma”

0
928

Ngày đăng: 2017-08-12 03:17:35
Theo GS TSKH VS Nguyễn Quốc Sỹ, xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma được coi là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Đây là phương pháp đốt rác thải sinh hoạt ở nhiệt độ cao tới 1700 -1800oC của dòng plasma mà không tạo ra các chất khí độc hại.

Sáng ngày 11/8, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng, Phát triển (NCUDPT) Thương hiệu Việt phối hợp cùng Viện Công nghệ VinIT trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ Plasma xử lý rác thải môi trường”. Tham dự hội thảo có TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; GS TSKH VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện – Công nghệ VinIT thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; cùng các nhà khoa học và đại diện nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

 Toàn cảnh hội thảo Xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma

Tại Hội thảo, các chuyên gia nhận định tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế – xã hội, sức khỏe con người. Chất thải từ sản xuất đến chất thải sinh hoạt hằng ngày, chất thải rắn cũng như chất thải lỏng độc hại, thải ra môi trường ngày càng nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp. Trong khi đó, rác thải hiện chỉ được xử lý bằng các phương pháp truyền thống như chôn lấp, xử lý vi sinh, đốt và hóa khí. Những phương pháp xử lý rác thải truyền thống ngày càng lộ những bất cập như tốn diện tích lớn, dễ gây những thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường, tốn thời gian phân loại rác đầu vào hoặc trong quá trình xử lý sẽ sinh ra các chất độc hại với sức khỏe con người như Dioxin, Furan.

Theo GS TSKH VS Nguyễn Quốc Sỹ, xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma được coi là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Đây là phương pháp đốt rác thải sinh hoạt ở nhiệt độ cao tới 1700 -1800oC của dòng plasma mà không tạo ra các chất khí độc hại. Tuy nhiên, hiện công nghệ Plasma chỉ được dùng cho xử lý các chất thải độc và cực độc (từ cấp độ I tới III theo thang IV cấp các chất thải ra môi trường) như: các hóa chất từ các vũ khí hóa học, các đầu đạn bẩn, các loại vũ khí sinh hóa cần phải tiêu hủy, các chất thải rắn y tế, các hợp chất Fenon và Cyanua từ công nghiệp hóa chất, chất thải phóng xạ… Do giá thành cao, nên việc ứng dụng công nghệ Plasma vào xử lý chất thải sinh hoạt mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở các nước phát triển như: Mỹ, Israel, Đức, Nhật.

GS TSKH VS Nguyễn Quốc Sỹ.

Với mong muốn mang công nghệ xử lý rác thải hiện đại giải quyết vấn đề môi trường tại Việt Nam, GS TSKH VS Nguyễn Quốc Sỹ cùng các chuyên gia của Viện công nghệ VinIT đã quyết định cải tiến kỹ thuật và công nghệ buồng đốt plasma, chế độ đốt plasma rác thải rắn sinh hoạt trên nền C và H ở nhiệt độ cao và các kỹ thuật tiên tiến liên quan tới điều khiển dòng plasma, chu trình hóa lý tối ưu xử lý chất thải rắn tạo khí Syngas cho phát điện. Nhờ đó, công nghệ plasma xử lý chất thải rắn sinh hoạt là quá trình hóa khí C và H (gasification) ở nhiệt độ cao (khoảng 1500-1700oC) trong môi trường yếm khí dùng năng lượng plasma. Những cải tiến kỹ thuật quan trọng này không chỉ giúp tối ưu hóa các quá trình phân tách và hóa khí plasma, đảm bảo các yêu cầu khắt khe nhất về môi trường mà còn làm giảm giá thành trang thiết bị và công nghệ đáng kể nhằm phù hợp với rác thải sinh hoạt của Việt Nam.

Công nghệ Plasma sau cải tiến được ứng dụng vào Nhà máy điện rác Plasma. Nhà máy điện rác plasma là dây chuyền công nghệ khép kín gồm hai phần: nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ plasma tiên tiến (công nghệ hóa khí plasma ở nhiệt độ cao 1700-1800 C) tạo ra khí Syngas (hỗn hợp khí CO, H2, CO2, H2O) dùng để chạy máy phát điện; nhà máy nhiệt điện khí dùng Syngas từ lò đốt plasma để chạy máy phát điện (turbin hơi xử dụng năng lượng nhiệt từ lò đốt plasma, hệ số xử dụng 25-28 % kết hợp với turbin hỗn hợp khí và hơi chạy khí Syngas, hệ số 55-60 %).

Với công nghệ này, việc xử lý rác thải sinh hoạt sẽ tiết kiệm thời gian công sức do không cần khu phân loại, xử lý nước rỉ rác như nhà máy xử lý rác thông thường đồng thời không gây mùi hôi, không thải các khí thải độc NOx; H2S, Dioxin và Furan; còn các axit HCl, HF, H2SOx, HNOx thải ra đều đạt rất nhỏ và bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Đặc biệt, không chỉ xử lý triệt để vấn đề rác thải, công nghệ plasma còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhà máy điện rác plasma sử dụng rác làm nhiên liệu vừa không mất chi phí cho nhiên liệu đầu vào, vừa bán được điện theo giá xử lý rác thải rắn sinh hoạt (10,05 cent $/ kWh), vừa được tiền xử lý rác cho môi trường nên thời gian hoàn vốn nhanh (4-5 năm so với thời gian hoàn vốn của riêng nhà máy điện chạy khí thường đã là 20 năm).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here