19.07.2017
Mới đây Viện Công nghệ VinIT đã làm động tác mở rộng cánh cửa cho Việt Nam tiến vào thế giới công nghệ cao. VinIT là Viện được thành lập cách đây vài tháng, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học-kỹ thuật của Việt Nam.
Nhà lãnh đạo Viện là GS Nguyễn Quốc Sỹ, đứng đầu Phòng thí nghiệm của Viện Kỹ thuật Điện Matxcơva, người từng được nhận giải thưởng của Tổng thống Nga. Trong thời gian làm việc đầy hiệu quả tại Nga, GS Nguyễn Quốc Sỹ đã thiết lập quan hệ công tác mật thiết với nhiều nhà khoa học Nga. Cũng là ông đã thu hút các đồng nghiệp vào ý tưởng tạo lập một Trung tâm quốc tế, có thể hỗ trợ phổ biến và ứng dụng những thành tựu của công nghệ hiện đại tiên tiến nhất tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik Việt Nam, GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ nói:
“Chúng tôi cùng với các đồng nghiệp Nga trông đợi rằng cơ sở Viện mới sẽ thành nền tảng dành cho những công việc chung của chúng ta cũng như của các nhà khoa học từ những nước khác theo hướng đảm bảo hỗ trợ công nghệ cho các tiến trình sản xuất đa dạng nhất tại Việt Nam. Dự án này đáp ứng nguyện vọng của ban lãnh đạo hai nước, được chúng tôi dầy công chuẩn bị trong mấy năm. Mặc dù Viện được thành lập chưa lâu, nhưng đã bắt đầu thực hiện những hoạt động thu hút đến Việt Nam các khoa học gia và các nhà sản xuất từ Nga. Chúng tôi hy vọng rằng Viện sẽ là thêm mắt xích liên kết hoạt động khoa học và sản xuất của hai nước, là ngôi nhà chung hữu ích. Tôi tin chắc rằng điều đó đáp ứng nhiệm vụ phát triển hiệu quả quan hệ đối tác giữa hai nước chúng ta”.
Trong số các hoạt động mà GS Nguyễn Quốc Sỹ đề cập tới, có sáng chế vật liệu công nghệ để bảo tồn di tích lịch sử của Việt Nam, cụ thể là bảo tồn quần thể tháp cổ Mỹ Sơn. Còn hồi đầu tháng Bảy, theo lời mời của Viện, một nhóm các chuyên viên hàng đầu từ hai cơ sở khoa học nổi tiếng toàn thế giới của Saint-Peterburg là Viện Công nghệ-Vật lý mang tên Ioffe và Viện Các vấn đề về điện, đã sang thăm Việt Nam. Các vị khách khoa học Nga đã giới thiệu để các đồng nghiệp và doanh nhân Việt Nam làm quen với công nghệ tiên tiến tạo ra năng lượng mặt trời, — hiện là nội dung rất thời sự đối với Việt Nam sau khi ngưng dự án điện hạt nhân —, và với các dự án về hệ thống lọc nước mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như công nghiệp, với khả năng sử dụng plasma trong việc loại bỏ bãi rác thải cũng như trong y tế — để điều trị vết thương và viêm nhiễm, và trong ngành hàng không — để tăng tốc độ của máy bay và tên lửa.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik Việt Nam, ông Nguyễn Quang Liêm Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) bày tỏ sự tin tưởng rằng “sự hiệp lực với VinIT trong các hoạt động có phần tham gia tích cực của các nhà khoa học Nga sẽ rất hữu ích đối với giới khoa học và doanh nghiệp Việt Nam”.
“Việc thành lập Viện là sự tiếp nối xuất sắc cho truyền thống hợp tác lâu năm và hiệu quả của hai nước chúng ta, mà trong quá trình đó Việt Nam đã nhận được từ Nga cả đội ngũ các chuyên gia giỏi. Tất cả những gì mà các nhà khoa học Nga cho chúng tôi thấy lần này, theo tôi là hết sức quý báu và đúng lúc. Tôi tin tưởng rằng việc thực hiện các dự án theo đề xuất của phía Nga sẽ mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam”, — Viện trưởng Nguyễn Quang Liêm nhận định.
Những dự án do các nhà khoa học Nga đề xuất đã nhận được phản hồi tốt đẹp từ phía các thành viên trong hội thảo quốc tế do Viện tổ chức tại Hà Nội, cũng như các chuyên viên Nga tham dự và ban lãnh đạo VinIT, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và ông Phan Xuân Dũng Ủy viên UB Thường vụ, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam.
VinIT đã ký kết văn kiện hợp tác với hàng loạt công ty đầu tư của Việt Nam, những cơ sở quan tâm đến các dự án của Viện. Cụ thể, có thỏa thuận với Công ty Cổ phần Đầu tư “Phú Bình Group” và Viện Công nghệ VinIT.
Nguồn: vn.sputniknews.com