Không có “rừng vàng, biển bạc”, Israel được biết đến là đất nước duy nhất có khả năng biến sa mạc khô cằn thành đất canh tác, trồng trọt, phát triển nông nghiệp thành công và thay đổi nền nông nghiệp thế giới. Điều gì đã khiến một quốc gia khắp nơi là sa mạc được coi là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước?
Là một đất nước nhỏ với diện tích trên 20.000 km2, trong đó 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, sự tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo của con người Israel cũng như việc áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là lời giải đáp cho “phép màu trên hoang mạc” của người Israel.
Nền tảng từ những người đi trước
Cách đây hơn 2000 năm, vùng đất Israel nằm giữa trung tâm sa mạc Negev chủ yếu là người Nabateans sinh sống, họ đã mất nhiều năm tìm ra cách để tồn tại và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. Người Nabateans phát triển nên hệ thống thu gom nước lũ chuyển tới những khu vực quanh đê hoặc những hố và rãnh lớn được đào thủ công để trồng những loại cây nhỏ đến lớn.
Từ đó, hệ thống dần được phát triển khi con người biết sử dụng những cây giống họ đậu có khả năng hấp thụ nitơ trong khí quyển qua rễ, nhằm duy trì đất màu mỡ, không mất nhiều chi phí, đảm bảo sự bền vững lâu dài của hệ thống.
Tận dụng năng lượng mặt trời thay vì chặt cây đốt lửa
Ở các nước đang phát triển, người ta thường chặt cây củi để đốt lửa. Điều này khiến cho những vùng sa mạc trở nên hoang mạc hóa, thiếu thực vật để giữ đất và chất dinh dưỡng của cát, từ đó mưa rửa trôi đi lớp đất mặt, để lại lớp cát vô giá trị và không thể sử dụng trồng cây.
Những tiến bộ của Israel được thể hiện ở việc phát triển các nhà máy điện từ nguồn năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng sạch vĩnh cửu – cho các hộ sản xuất hoặc các khu vực làng xã. Ngoài ra, các nhà khoa học và công ty Israel còn sáng tạo nên pin quang điện tập trung (CPV), một giải pháp cho chính nền nông nghiệp Israel và các nước đang phát triển đang phải đối mặt với nạn phá rừng. Israel đã chống lại sự sa mạc hóa bằng cách biến năng lượng mặt trời thành một phương pháp thay thế khả thi so với cách chặt củi thông thường.
Áp dụng công nghệ kỹ thuật thân thiện với môi trường và tiên tiến nhất
Vào những năm 1960, công ty Israel Netafim đã phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại, các nguồn nước quý và khan hiếm trên sa mạc chỉ được sử dụng để trồng cây. Trong số những cây trồng đáng chú ý phát triển nhất ở Negev được trồng ở sa mạc Israel là cà chua anh đào – có thể tìm thấy trong các cửa hàng tạp hoá trên khắp thế giới. Cà chua anh đào trồng ở Negev có độ ngọt cao gấp 2-3 lần so với những nơi khác do nước sử dụng trồn cây vô cùng chất lượng, lượng khoáng chất tìm thấy trong nước là cao hơn hẳn. Ngày nay, nông dân Israel đang phát triển những giống cà chua mới hơn để tăng năng suất trong khi Negev đã tăng sản lượng cà chua gấp 3-4 lần so với các nơi khác trên thế giới.
Cũng như cà chua anh đào, Negev là nơi có vườn ô liu, đồn điền nhiều loại trái cây, rau quả và nhiều loại cây trồng khác có khả năng thích ứng với điều kiện trên sa mạc. Một trạm nghiên cứu nông nghiệp ở vùng Ramat Negev đang làm việc với nông dân nơi đây để phát triển các giống cây phù hợp nhất với khí hậu, nguồn nước và điều kiện đất đai của Negev, cũng như thử nghiệm các kỹ thuật để tăng trưởng cây trồng.
Ở sa mạc Judean, gần phía Bắc vùng Biển Chết (thuộc Megilot), nông nghiệp sa mạc còn phát triển hơn rất nhiều. Tại đây, nông dân sử dụng các khoáng chất từ Biển Chết, loại khoáng chất hay được tìm thấy trong đất và cát, tạo ra các loại cây ăn quả phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu đi khắp các nước và được coi là có chất lượng tốt nhất thế giới như hành và húng quế.
Khiến cá “bơi trong sa mạc”
Cá là nguồn chính cung cấp protein cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Rất nhiều quốc gia đang đau đầu vì muốn phát triển nguồn cung cấp cá trong nước, nhưng điều kiện về diện tích nuôi trồng lại bị giới hạn bởi điều kiện tự nhiên và nguồn nước. Trong khi đó, đất sa mạc rộng lớn không chỉ được sử dụng để trồng cây thông thường mà còn được người dân Israel tận dụng để nuôi trồng thuỷ sản, phát triển những trang trại cá lớn–ngành nông nghiệp mang lại nhiều thu nhập cho nước này.
Hệ thống nuôi cá trên sa mạc của Israel có nước lợ chất lượng thấp, loại nước này có hàm lượng muối cao và rất cần thiết để nuôi cá biển, họ bơm nó qua đất vào các bể nuôi cá. Đặc biệt, hệ thống sử dụng các vi khuẩn được phát triển làm sạch bể nuôi cũng như mầm bệnh ở cá khiến cho hầu như không có chất thải trong ao nuôi và không cần thay nước. Israel bắt đầu tăng thêm thu thập từ cá biển xuất khẩu sang các nước trên thế giới, chủ yếu là khu vực châu Âu.
Khoa học được đầu tư, nhà khoa học gần gũi với nhà nông
Điều đặc biệt ở Israel mà không phải quốc gia nào cũng có được đó là sự gần gũi, kết hợp và phát triển giữa những nhà khoa học kỹ thuật và người làm nông nơi đây. Một trong những lợi thế của sự phối hợp giữa khoa học và nhà nông tại Israel là tính cộng đồng rất cao. Nhà khoa học rất gần gũi với đồng ruộng và nhiều trong số họ cũng chính là nông dân hoặc giữ vai trò tư vấn trực tiếp cho nông dân.
Các trung tâm nông nghiệp lớn, thậm chí cả các “làng nông nghiệp” (theo tên gọi của người Israel là Kibbutz) đều có sự xuất hiện của các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học. Những giống cây mới hay các nghiên cứu mới về hệ thống nhà kính trước hết được thí nghiệm, kế đó sẽ áp dụng thử nghiệm với một số nhỏ hộ nông dân bằng nguồn vốn hỗ trợ của hệ thống tài chính vi mô hoặc từ chính quỹ của viện thí nghiệm, trước khi triển khai thương mại đại trà.
Israel cũng là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia. Các nhà khoa học thuộc các trung tâm không chỉ nghiên cứu sức đề kháng hạn hán trong thực vật mà còn tạo ra các giống rau và cây trồng mới với năng suất cao, cũng như các phương pháp kiểm soát sinh học và chống sâu bệnh sử dụng ít hóa chất hơn.
Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3,5 tỷ USD nông sản và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ngoài trồng trọt, nền nông nghiệp Israel nổi tiếng với chăn nuôi bò sữa cho năng suất cao nhất thế giới. Chất lượng sữa cũng vào loại tốt nhất, lượng đạm và lượng mỡ cao hơn hẳn các loại sữa khác. Những nghiên cứu, đổi mới, thành tựu và giáo dục của Israel về nông nghiệp trên hoang mạc giờ đây đã được toàn cầu biết đến, góp phần giải quyết vấn đề đối với tất cả cư dân sa mạc trên thế giới. Đó chính là lý do Israel là một đất nước nằm giữa những sa mạc khô cằn nhưng lại vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp, khiến cho ngay cả những quốc gia lớn cũng phải thán phục.