- Advertisement -Newspaper WordPress Theme
Thông tin KHCNCông nghệ Vật liệu mớiTẬN DỤNG TRỮ LƯỢNG ĐẤT HIẾM, TẠO TIỀN ĐỀ CHO PHÁT TRIỂN...

TẬN DỤNG TRỮ LƯỢNG ĐẤT HIẾM, TẠO TIỀN ĐỀ CHO PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN TẠI VIỆT NAM

Việt Nam đang có tiềm năng đất hiếm rất lớn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào công nghệ bán dẫn. Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra tại kỳ họp thứ 6 trong đưa ra các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng cho rằng, cần tận dụng trữ lượng đất hiếm đang có để tạo bước ngoặt cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Đất hiếm là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp cao của Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc. Sự phong tỏa “cấm linh kiện bán dẫn và chip” từ Trung Quốc của Mỹ đã biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ. Cuối cùng, Trung Quốc đã dùng đất hiếm và các khoáng sản để làm vũ khí “răn đe” khi cần.  Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, đặc biệt nguồn đất hiếm của Việt Nam khiến không ít nhà sản xuất bán dẫn thèm muốn. Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt tới 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu, trên tổng lượng thế giới 130 triệu.

Đại biểu Vương Quốc Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 6

Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập tại kỳ họp thứ 6. Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Vương Quốc Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã đề nghị Chính phủ cần quan tâm đặt biệt đến hoạt động nghiên cứu công nghệ tuyển và chế biến đất hiếm.

Để phát triển cái ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn 2025 và 2030 trong giai đoạn 2025 và 2030 như Chính phủ có báo cáo thì cần tập trung vào đào tạo 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao. Đại biểu Vương Quốc Thắng nêu quan điểm, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới với khoảng 22 triệu tấn. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ đất hiếm với các nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến 2045. Cân nhắc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ đất hiếm, thúc đẩy đào tạo và thu hút các nhà khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực đất hiếm, cũng như là tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đất hiếm.

Trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt tới 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Việt nam đã có quá trình nghiên cứu lĩnh vực đất hiếm, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Các công nghiệp 4.0 trên toàn cầu đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm được sử dụng cho xe hơi điện, chất bán dẫn, điện thoại di động và các sản phẩm khác. Thế nhưng, việc khai thác và chế biến đất hiếm và khoáng sản của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường và công nghệ chế biến sâu, vì việc khai thác và chế biến các mỏ quặng, đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy hoại môi trường nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ cao. Đây là trở ngại rất lớn để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm vì các công nghệ này được coi là bí mật, nên nhiều đối tác nước ngoài không bán, không chuyển giao khiến việc hợp tác gặp nhiều khó khăn.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT

Việt Nam cần có mô hình, cách tiếp cận riêng khi đào tạo bán dẫn và vi điện tử
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cũng cần tính đến mô hình, cách tiếp cận riêng khi đào tạo bán dẫn và vi điện tử. Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ – Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT, khó khăn hiện nay là ngân sách đầu tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao các ngành công nghệ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng chi ngân sách.

Thứ hai là thiếu hụt đội ngũ chuyên gia cao cấp cho đào tạo nhân lực chất lượng cao của các ngành công nghệ, nhất là các ngành công nghệ mũi nhọn hiện nay như ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất vi điện tử, các ngành công nghiệp vật liệu tiên tiến, các ngành nông nghiệp công nghệ cao, các ngành môi trường, chống biến đổi khí hậu,…

Thứ ba là khó khăn về hệ thống các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại, các cơ sở đào tạo kết hợp nghiên cứu ứng dụng chưa đồng bộ, nhiều hệ thống trang thiết bị sử dụng không hiệu quả. Trang thiết bị hiện đại tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi nhiều nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phân bổ lại nguồn lực con người và trang thiết bị cho các ứng dụng tại chỗ;

Thứ tư là thị trường nhân lực chất lượng cao chưa được vận hành một cách khoa học gây tắc nghẽn giữa cung – cầu, ảnh hưởng lớn không chỉ tới chất lượng đào tạo mà còn đầu ra các sản phẩm đào tạo;

Thứ năm là hệ thống văn bản, chương trình đào tạo còn “thiếu, thừa và yếu”, chưa sát với thực tế, cần đổi mới về chất lượng, chưa tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo khai thác hiệu quả nội lực và hợp tác quốc tế (trong đó có vấn đề tự chủ đại học, mô hình đào tạo mở, liên kết với các cơ sở đào tạo trên thế giới).

Giải pháp cho đào tạo ngành bán dẫn và vi điện tử

Chia sẻ về giải pháp cho đào tạo ngành bán dẫn và vi điện tử tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ nhận định, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Việt Nam cần phải có đầy đủ các điều kiện tiên quyết: cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả để thu hút đầu tư cho đào tạo toàn bộ các ngành bán dẫn và vi điện tử, quyết tâm chính trị của toàn bộ hệ thống để có thể xây dựng được bộ máy tổ chức quản lý và triển khai chiến lược và thực thi ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử, đầu tư lớn về con người, trang thiết bị và tài chính không chỉ cho đào tạo chuyên gia mà còn sản xuất, thương mại hóa ngành bán dẫn và vi điện tử.

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ đề xuất, cần cơ cấu, tổ chức lại hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu theo hướng tích hợp hệ thống, sử dụng chung trang thiết bị, phòng thí nghiệm chuyên dụng, tài liệu cho đào tạo các ngành công nghệ cao góp phần giải quyết cơ bản các nhiệm vụ đặt ra, giảm thiểu những khó khăn vướng mắc, phát huy các yếu tố thuận lợi, tận dụng tối đa năng lực của hệ thống đào tạo hiện nay với một số yếu tố mới. 

Trong đó có việc tái cơ cấu tổ chức đào tạo các chuyên ngành công nghệ cao tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Học Viện Kỹ thuật quân sự; Cải tổ hệ thống các Viện nghiên cứu chuyên ngành để có thể kết hợp nghiên cứu với đào tạo các ngành công nghệ cao, làm nền móng, cơ sở thực nghiệm và nghiên cứu trong các chương trình đào tạo (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện khoa học công nghệ Quân sự,…);

Cần đổi mới phương pháp, mô hình của các trung tâm, cơ sở đào tạo theo hướng gọn nhẹ, tích hợp hệ thống nghiên cứu, trang thiết bị hiện đại với cơ sở đào tạo các ngành công nghệ cao, gắn đào tạo với các chương trình nghiên cứu ứng dụng thực tế; Xây dựng mô hình tổ chức quản lý điều hành từ chương trình giảng dạy tới sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên gia các nhà khoa học tham gia quá trình giảng dạy công nghệ cao. 

Cùng với đó, cập nhật, cải tiến thường xuyên, thu hút đầu tư, đổi mới chương trình đào tạo, bám sát nhiệm vụ thực tế của nền kinh tế và thị trường nhân lực của các ngành công nghệ cao của Việt Nam và các nước trên thế giới. Chủ động xây dựng đầu ra theo cơ chế thị trường cho nhân lực các ngành công nghệ cao: Xây dựng thị trường nhân lực chất lượng cao (cơ sở đào tạo) gắn kết chặt chẽ và vận hành đồng bộ cùng các khu công nghiệp công nghệ cao (doanh nghiệp) và thị trường ứng dụng khoa học công nghệ (đầu tư và thương mại);

Không đầu tư dàn trải mà tập trung đào tạo nhân lực cho một số ngành công nghệ mũi nhọn, công nghệ lõi, công nghệ nền với nhu cầu nhiệm vụ mang tầm vóc chiến lược lâu dài, có ý nghĩa lớn lao, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đồng thời giải quyết các nhiệm vụ cấp bách phát triển của nền kinh tế;

Hợp tác sâu rộng giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Hợp tác quốc tế sâu rộng tạo điều kiện đào tạo các chuyên ngành công nghệ cao với chi phí thời gian và đầu tư nhỏ nhất, đảm bảo chất lượng, cập nhật hệ thống tài liệu, chương trình, trang thiết bị hiện đại và thu hút chuyên gia, giảng viên cao cấp tham gia tổ chức và đào tạo nhân lực các ngành công nghệ cao.

Với công nghệ bán dẫn và vi điện tử, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, phải xác định thị trường và các sản phẩm bán dẫn và vi điện tử; Không thể xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử với tất cả các loại chất bán dẫn cũng như các tất cả các loại vi điện tử. Kinh nghiệm thành công của các nước cho thấy cần chọn ra một số chuyên ngành đào tạo bán dẫn và vi điện tử phù hợp với sản phẩm bán dẫn và vi điện tử trong chuỗi cung ứng của thế giới; Nên áp dụng mô hình đào tạo, hệ thống tổ chức quản lý, chương trình đào tạo chuẩn của Mỹ, có tham khảo tài liệu, chương trình và kinh nghiệm đào tạo của các nước khác.

Xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch cần đầu tư, thực hiện bài bản, có hệ thống từ nghiên cứu cơ bản, xây dựng hệ thống chuyên gia cho nghiên cứu và đào tạo, ứng dụng các sản phẩm. Hệ thống trang thiết bị nghiên cứu cần được đầu tư hiện đại, đảm bảo tính cạnh tranh trong nghiên cứu;

Hệ thống nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn và vi điện tử cần phải được tích hợp với hệ thống đào tạo để sử dụng chung hiệu quả nguồn lực (tích hợp trong phạm vi của từng ngành, trên cơ sở một đơn vị hành chính có chung nguồn lực cơ bản đất đai, phòng thí nghiệm, cơ chế tổ chức quản lý, chính sách thuế, nguồn nhân lực…); Sản phẩm đào tạo đầu ra các ngành công nghệ bán dẫn và vi điện tử phải được điều tiết bằng cơ chế thị trường, trong đó có nhu cầu từ các khu công nghiệp, tập đoàn công nghệ sản xuất các sản phẩm bán dẫn và vi điện tử, thỏa mãn thị trường trên thế giới.

Theo Cổng thông tin Điện tử Quốc Hội Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exclusive content

Latest article

More article