Tháng một vừa qua, lần thứ 4 trong vòng hơn một năm, từ chuyện ở thị xã Sơn Tây ùn ứ rác cho đến thành phố Hà Nội bị ngập trong rác. Mùi hôi thối nặng nề khiến người dân lo lắng, sợ sinh dịch bệnh.
Chính quyền địa phương cũng cảm thấy khó xử. Số là người dân xã Nam Sơn thuộc huyện Sóc Sơn – nơi có bãi rác thải của cả thành phố Hà Nội đã ra chặn đường không cho xe của công ty vệ sinh môi trường đổ tiếp. Nguyên do vì dân chưa hài lòng với lời hứa đã quá lâu nhưng chưa thực hiện của chính quyền để họ di dân, dù dân sở tại cơ cực vô cùng nếu còn trụ lại. Việc này, năm 2017 cũng đã từng xảy ra.
Tôi cũng như nhiều người, luôn cảm thấy bất an mỗi khi ở đâu đó vẫn có hiện tượng người dân quanh vùng được quy hoạch đổ rác thải cản đường không cho xe chở rác của ngành vệ sinh môi trường vào đổ. Có lẽ, công nghệ xử lý rác của các đơn vị được giao tiếp nhận chưa tốt.
Nhớ lại, cách đây chục năm cũng có tình trạng rác thải của thành phố Hải Phòng bị dân ở một xã ngoại thành biểu tình không cho đổ. Thành phố này buộc phải cầu cứu tỉnh bạn là Nam Định cho “đổ ké” ít ngày chờ đàm phán với dân. Có lẽ, nếu đặt địa vị là chính mình phải sống ở những vùng ven bãi rác như bà con, tôi chắc chắn một điều, chúng ta sẽ nghĩ khác và có cách xử lý rốt ráo hơn.
Xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề cấp thiết hiện nay. (Nguồn: Zing) |
Tôi đã từng tìm gặp GS. Nguyễn Quốc Sỹ, một chuyên gia cao cấp của thế giới về chuyên ngành công nghệ plasma (công tác tại Nga) để hỏi thêm về đề tài xử lý rác theo công nghệ plasma mà ông chính là người đeo đuổi nghiên cứu và đã thành công.
GS. Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, để xử lý rác thải sinh hoạt có nhiều phương pháp khác nhau như chôn lấp, xử lý vi sinh, đốt và hóa khí. Việc chôn lấp đòi hỏi diện tích lớn và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường. Xử lý vi sinh làm phân bón thường không khả thi vì cần phải phân loại rác đầu vào rất kỹ lưỡng để đảm bảo các hóa chất độc hại có sẵn trong rác không đi vào cây trồng, vật nuôi. Phương pháp thiêu hủy rác bằng phản ứng đốt cũng chỉ có tác dụng nếu rác trước đó được phân loại chặt chẽ, tách các loại nhựa thải, rác điện tử và y tế…
Các nước có công nghệ cao như Mỹ hay Nga cũng cần phải xử lý rác thải sinh hoạt. Nhưng do đất đai quá rộng nên người ta vẫn chưa phải dùng đến các công nghệ xử lý triệt để như công nghệ plasma để đốt rác mà vẫn theo lối chôn lấp.
Tại châu Âu, người ta áp dụng nhiều cách khác nhau để thúc đẩy người dân tự giác phân loại. Tiêu biểu, công dân tích cực tham gia chương trình thu gom chất thải riêng biệt được nhà chức trách Hà Lan cấp cho các phiếu giảm giá đặc biệt về phí nhà ở và dịch vụ xã hội.
Đồng thời, cũng có nước như Thụy Điển lại không chôn lấp, nhiều khi cũng không đốt mà chấp nhận trả phí xử lý rác cho Na Uy. Nước này họ nhập rác của Thuỵ Điển, thu phí rồi đốt cùng với rác của họ cho nhà máy điện hoạt động. Như vậy, họ vừa xử lý rác cho môi trường lại vừa sản xuất được điện từ rác, lợi cả đôi đường. Tuy vậy, cũng chưa có nước nào áp dụng được công nghệ plasma cho xử lý rác thải sinh hoạt vì giá thành của công nghệ này rất cao.
Chuyên gia Nguyễn Quốc Sỹ cũng cho hay, hiện nay giá thành mà các chuyên gia và cộng sự của ông nghiên cứu, xây dựng cho một nhà máy xử lý rác theo công nghệ plasma cũng không phải cao và đã ở mức chấp nhận được trong điều kiện Việt Nam. Nếu dùng để đốt 250 tấn rác/ngày cần nhà máy điện rác plasma loại nhỏ, đầu tư khoảng 30 triệu USD. Nếu nhà máy công suất 1.000 tấn thì tỉ suất đầu tư lại rẻ hơn, tổng vốn đầu tư chỉ chưa tới 100 triệu USD. Với thủ đô Hà Nội, mỗi ngày xả rác khoảng 5.000 tấn, chúng ta cần tới 5 nhà máy như vậy, tức gần 500 triệu USD là đã giải quyết được vấn đề môi trường có ý nghĩa sống còn này.
Công nghệ đốt plasma lại rất phù hợp với Việt Nam do chúng ta chưa thể phân loại được các loại rác ngay từ khâu tiếp nhận. Sử dụng công nghệ plasma, người ta không còn phải lo lắng gì về chuyện này, bởi nó đã được chứng minh an toàn cho sức khoẻ và môi trường nói chung.
Tôi nghĩ, vấn đề ở chỗ hãy để xã hội hoá, kêu gọi các nhà đầu tư trong nước hoặc quốc tế “vào cuộc”. Quan trọng là nhà nước có những chính sách khuyến khích hấp dẫn cho họ về thuế, về địa điểm xây dựng nhà máy… Để tránh xe chở rác phải đi từ đầu thành phố đến cuối thành phố, mất vệ sinh, có lẽ chúng ta nên khuyến khích xây dựng các nhà máy có công suất vừa và nhỏ, đặt ở nhiều khu vực, cứ vài ba quận, huyện lại xây dựng một trung tâm xử lý rác sẽ rất hiệu quả.
Mặt khác, việc chúng ta – một nước còn nghèo nhưng dám dũng cảm áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới theo tôi là điều rất tốt. Không lẽ, chúng ta chỉ quen dùng những công nghệ đã lỗi thời?
Chúng ta đã từng rất đúng khi quyết định đầu tư cho công nghệ viễn thông những năm đầu 90 để rồi được coi là đi sau mà hoá trước nhiều nước khi quyết định không dùng đồ lỗi thời. Nếu ngày ấy, chỉ vì tiếc… có lẽ chúng ta đã không có được như ngày hôm nay về nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Từ câu chuyện rác thải vừa qua, thiết nghĩ, dù là công nghệ nào thì xử lý rác thải sinh hoạt vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu và bức thiết của nước ta.