- Advertisement -Newspaper WordPress Theme
Thông tin KHCNCông nghệ hàng khôngTHIẾT BỊ BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI: CÔNG NGHỆ & CÁC HƯỚNG ỨNG...

THIẾT BỊ BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI: CÔNG NGHỆ & CÁC HƯỚNG ỨNG DỤNG MỚI

Trong vài năm gần đây, máy bay không người lái (UAVs – Unmanned Aerial Vehicles) hay còn gọi là drones, đang dần trở nên khá phổ biến và được ứng dụng vào nhiều ngành nghề sản xuất như là một hình thức công nghệ mới đem lại sự thay đổi có tính sáng tạo và nâng cao hiệu quả sản xuất. Mặc dù sự phát triển các ứng dụng này còn mang tính sơ khai nhưng các thiết bị bay không người lái đang phá vỡ các rào cản cứng nhắc truyền thống trong các ngành công nghiệp. Bài báo này sẽ giới thiệu tổng quan về hiện trạng, xu thế phát triển các thiết bị bay không người lái và một số ví dụ về các ứng dụng chúng trong các ngành công nghiệp, vốn đang được xem là các sự thay đổi rất có triển vọng trong tương lai.

I. TỔNG QUAN VỀ XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG

Thiết bị bay không người lái (drones) trước đây là các thiết bị chủ yếu được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ứng dụng các tiến bộ mới về công nghệ thông tin và truyền thông vào các lĩnh vực công nghiệp truyền thống đang diễn ra mạnh mẽ, thì drones đang dần trở nên phổ biến hơn, và được sử dụng rộng rãi hơn cho các mục đích dân sự, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, truyền hình, cũng như các ứng dụng khoa học thuộc lĩnh vực địa kỹ thuật không gian.

Thị trường thương mại của drones cũng đang được các hãng nghiên cứu đánh giá là thị trường rất tiềm năng và sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai gần. Hãng nghiên cứu thị trường và công nghệ nổi tiếng Gartner đưa ra dự đoán có khoảng 3 triệu thiết bị bay không người lái cho cả mục đích cá nhân và thương mại sẽ được vận chuyển (bán ra) trong năm 2017. Việc sản xuất các drones cũng đang phát triển rất nhanh chóng, Gartner cũng dự đoán doanh thu thị trường toàn cầu sẽ tăng 34% và đạt hơn 6 tỷ USD trong năm 2017, và tăng lên 11,2 tỷ USD vào năm 2020 [1]. Hãng nghiên cứu thị trường BI Intelligence, cũng đưa ra báo cáo về ước tính đầu tư cho phần cứng của drones trên thị trường toàn cầu cũng đang tăng, và dự tính đạt hơn 12 tỷ USD vào năm 2021[2]. Sở dĩ công nghệ thiết bị bay không người lái phát triển mạnh mẽ dù mới ở những hoạt động sơ khai vì nó đang đem lại những hiệu quả đáng kể khi ứng dụng vào các ngành công nghiệp khác nhau, tạo ra những thay đổi có tính đột phá so với những phương thức hoạt động truyền thống của những lĩnh vực này. Cụ thể một số lĩnh vực, ngành nghề đang có được sự trợ giúp đắc lực từ việc ứng dụng thiết bị bay không người lái như:

  • Không ảnh cho báo chí và làm phim
  • Vận chuyển và giao hàng nhanh
  • Thu thập và cung cấp thông tin về quản lý thiên tai
  • Hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn
  • Xây dựng bản đồ địa lý của các vùng địa hình phức tạp mà con người khó tiếp cận
  • Kiểm tra an toàn trong xây dựng
  • Hỗ trợ kiểm lâm, biên phòng và giám sát rừng, biên giới
  • Giám sát cây trồng trong nông nghiệp chính xác
  • Kiểm tra, bảo trì các hệ thống truyền tải điện, hệ thống viễn thông

Hình 1: Đầu tư cho phần cứng của drones trên thị trường toàn cầu

Trong các lĩnh vực trên, hiện tại ở thị trường Việt Nam thì thiết bị bay không người lái mới chỉ thực sự được sử dụng và đã phát hiệu quả rõ rệt ở lĩnh vực sản xuất phim, báo chí và truyền hình.

II. CÔNG NGHỆ CỦA THIẾT BỊ BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI

Cấu tạo hệ thống drone để xây dựng bản đồ địa hình được chia thành 4 thành phẩn chính như sau:

  • Hệ thống máy bay
  • Máy ảnh kỹ thuật số
  • Trạm điều khiển mặt đất
  • Trạm xử lý ảnh tạo mô hình số mặt đất

Máy bay UAV


Máy ảnh kỹ thuật số


Trạm điều khiển


Trạm xử lý ảnh

Hình 2: Thành phần hệ thống thành lập mô hình số mặt đất bằng UAV

A. Hệ thống máy bay

Hệ thống máy bay bao gồm: Thân máy bay, đầu thu GPS, cảm biến tốc độ gió, cảm biến độ cao, cảm biến áp xuất, cảm biến cân bằng và bộ thu phát tín hiệu, ngoài ra trên máy bay còn mang theo 1 quả pin dùng để cung cấp nguồn điện cho toàn bộ các thiết bị trên máy bay.

Máy bay không người lái có nhiểu hình dạng và kích cỡ khác nhau, mỗi loại đểu có những Ưu điểm và nhược điểm riêng, do đó tùy từng công việc cụ thể mà người sử dụng lựa chọn loại máy bay phù hợp. UAV được chia ra làm 2 loại chính theo cấu tạo là máy bay cánh cố định (cánh bằng) (Fixed Wing UAV) và máy bay lên thẳng nhiều động cơ xoay (Rotary Wing UAV).

1. Máy bay cánh cố định hay cánh bằng (Fixed Wing UAV).

Hình 3: Một số loại máy bay cánh cố định (cánh bằng)

UAV cánh cố định bao gồm một cánh cứng cố định, có khả năng bay bằng cách tạo ra lực nâng trong không khí và lực đẩy của động cơ phía sau. Tốc độ bay của máy bay được tạo ra bởi lực đẩy bằng động cơ đốt trong hoặc động cơ điện nắp phía sau máy bay.

Ưu điểm chính của UAV cánh cố định là nó có một cấu trúc đơn giản hơn so với loại cánh quay, do đó quy trình bảo trì và sửa chữa đơn giản hơn. Quan trọng hơn là với cấu trúc đơn giản sẽ đảm bảo tính khí động học hiệu quả hơn dẫn đến thời gian chuyến bay dài hơn ở tốc độ cao, do đó cho phép chúng hoạt động ở các khu vực khảo sát lớn hơn trên mỗi chuyến bay nhất định.

Máy bay cánh cố định cũng có thể mang trọng tải lớn hơn, khoảng cách bay xa hơn và tốn ít điện năng cho phép nó mang theo các cảm biến và máy ảnh lớn hơn, tốt hơn do đó độ chính xác, góc chụp ảnh rộng, cũng như chất lượng ảnh tốt hơn.

Nhược điểm của máy bay cánh cố định ngoài giá thành của thiết bị cao còn là sự cần thiết phải bố trí được đường băng hay bệ phóng cho việc cất và hạ cánh.

2. Máy bay lên thẳng nhiều động cơ xoay (Rotary Wing UAV)


Hình 4: Một số loại máy bay cánh quay phổ biến

UAV cánh quay bao gồm 2 hoặc 3 cánh quạt xoay quanh một trục cố định. UAV cánh quay có tối thiểu 1 cánh quạt (trực thăng), 3 cánh quạt (tricopter),4 cánh quạt (quadcopter), 6 cánh quạt (hexacopter), 8 cánh quạt (octocopter) cũng như các thiết kế khác thường hơn như 12 và 16 cánh quạt …

Nguyên lý bay của máy bay cánh quay là sự phối hợp của các cánh quạt quay tạo ra lực nâng nâng máy bay lên thẳng đứng hoặc di chuyển theo hướng bất kỳ, đồng thời có khả năng triển khai bay ở độ cao thấp, rất thấp trên mặt đất.

Các hãng sản xuất thiết bị và cảm biến số liệu cũng đang đa dạng hoá giải pháp một cách nhanh chóng, chúng ta có thể dễ dàng tìm được các cảm biến số liệu đặc biệt được thiết kế cho các UAV khung sườn nhỏ nhất. Các cảm biến số liệu điển hình phải kể đến như máy chụp ảnh cận hồng ngoại, các máy quét laser và thu nhận hình ảnh 3 chiều từ xa LiDAR, thậm chí là các cảm biến chức năng đa phổ hoặc siêu phổ.

Ưu điểm

Lợi thế lớn nhất của UAV cánh quay là khả năng cất cánh, hạ cánh theo chiều thẳng đứng và rất cơ động trong quá trình bay. Điều này cho phép người dùng hoạt động ở những địa hình chật hẹp mà không cẩn phải bố trí đường băng cất cánh, hạ cánh như loại cánh bằng, cũng như có thể thay đổi độ cao và chuyển hướng bay một cách dễ dàng.

Khả năng bay tại chỗ và khả năng bay cơ động làm cho UAV cánh quay rất phù hợp với công tác bay chụp ở địa hình phức tạp và có diện tích nhỏ.

Nhược điểm

Máy bay cánh quay có cấu tạo liên quan đến cơ khí và điện tử phức tạp do đó yêu cầu quá trình bảo trì và sửa chữa phức tạp hơn so với máy bay cánh cố định.

Do tốc độ thấp hơn và thời gian bay ngắn hơn vì vậy sẽ phải bay nhiều chuyến bay hơn so với máy bay cánh cố định.

Theo tiêu chuẩn chung, các hệ thống UAS vận hành bằng nguồn điện, các chuyến bay thường có thời gian kéo dài từ 30 đến 60 phút, thời gian bay có thể ngắn hơn đối với các máy bay lên thẳng nhiều động cơ bởi nguồn điện năng phải chia sẻ để vận hành nhiều động cơ cùng lúc. Phụ thuộc vào chỉ tiêu kỹ thuật điện năng của pin cấp điện và tốc độ bay, những UAV cánh cố định có khả năng bay chụp ảnh phủ trùm khu vực có diện tích khoảng từ 1 đến 1.5 km2 (tương đương với từ 100 – 150 ha). Đối với UAV nhiều động cơ vùng phủ sẽ thấp hơn số liệu đưa ra ở trên, thông thường diện tích phủ trùm sẽ giảm đi từ 10 đến 30% so với diện tích khu vực mà UAV cánh cố định đạt được.

B. Máy ảnh kỹ thuật số

Thông thường các máy ảnh sử dụng để chụp ảnh mặt đất bằng UAV là các loại máy ảnh kỹ thuật số có kích thước nhỏ gọn, có tiêu cự cố định và khả năng lấy nét tự động.

C. Trạm điều khiển mặt đất

Mỗi hệ thống máy bay UAV đều phải được điều khiển bằng trạm điều khiển mặt đất. Cấu tạo của trạm điều khiển mặt đất bao gồm:

1. Máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh được cài đặt phẩn mềm lập trình bay và điều khiển bay.

Đây là các phẩn mềm chuyên dụng để thiết kế bay, điều khiển bay và có thể lập kế hoạch vị trí hướng cất cánh, hạ cánh tại thực địa

2. Bộ điều khiển có thiết bị thu phát tín hiệu dùng để kết nối máy tính bảng với máy bay.

3. Tay điều khiển dùng để kết nối với máy bay

Hình 5: Bộ điều khiển của hãng Phantom

4. Máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh được cài đặt phần mềm điều khiển DJI Go hoặc phẩn mềm điều khiển khác.

Hình 6: Phần mềm điều khiển DJI Go

D. Trạm xử lý ảnh UAV tạo mô hình số mặt đất

Trạm xử lý ảnh bao gồm máy tính trạm Workstations có cấu hình mạnh được cài đặt phần mềm chuyên xử lý ảnh máy bay để tạo mô hình số mặt đất.

Một số phần mềm chuyên xử lý ảnh UAV phổ biến ở Việt Nam:


Hình 7: Trimble Access™ Aerial Imaging chuyên dùng để điều khiển các máy bay UAV của hãng Trimble sản xuất

Trimble Business Center Photogramettry và Inpho UASMaster của hãngTrimble
Agisoft PhotoScan của hãng Geoscan Nga
Pix4d mapper của Thụy Sỹ

III. ỨNG DỤNG THIẾT BỊ BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI TRONG CÔNG NGHIỆP

Có thể nói sự xuất hiện của các thiết bị bay không người lái UAV thực sự là cuộc cách mạng trong lĩnh vực thu thập số liệu, khảo sát, giám sát và theo dõi các đối tượng trên thực địa. Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều ứng dụng bắt buộc phải triển khai trên diện rộng như giám sát thu thập số liệu lâm nghiệp, đảm bảo hành lang an toàn đường dây truyền tải điện, ghi nhận số liệu thiên tai ngập lụt, trượt lở đất … mà nếu áp dụng các kỹ thuật truyền thống, sẽ vô cùng tốn kém kinh phí và thời gian triển khai. Các thiết bị khảo sát thu thập số liệu thế hệ mới ngày càng gọn nhỏ hơn, độ chính xác cao hơn, đa nhiệm hơn và đặc biệt phù hợp để lắp đặt trên các thiết bị bay không người lái UAV. Hơn thế nữa, kỹ thuật và công nghệ định vị dẫn đường bằng vệ tinh GNSS làm cho việc điều khiển UAV trong thực tế dễ dàng hơn rất nhiều, với nhiều chế độ bay khác nhau và có thể bay tự động hoàn toàn.

Máy bay UAV có thể bay đến những khu vực mà con người không thể tiếp cận trực tiếp để ghi nhận hình ảnh, đây là công cụ quan trọng để có được những hình ảnh hay đoạn phim đặc biệt, chất lượng cao phục vụ lĩnh vực nghệ thuật. Định kỳ theo dõi các đối tượng xâm nhập trái phép vào các khu vực cấm.

Các ứng dụng điển hình có thể liệt kê như:

A. Nông nghiệp

Máy bay không người lái rất phù hợp với nông nghiệp, các thông tin thời gian thực của các diện tích đất canh tác lớn sẽ mang lại lợi ích lớn cho nông dân.

Máy bay không người lái có thể giúp theo dõi hầu hết tất cả mọi thứ như là việc sử dụng nước, chất lượng gieo trồng, theo dõi nhiệt độ cây trồng và phân tích chất lượng đất.

Các cuộc khảo sát trên không bằng máy bay trước đây rất tốn kém với mức độ không thường xuyên giờ đây đã có thể thực hiện hàng tuần hoặc thậm chí là hàng ngày với máy bay không người lái và chi phí thấp.


Hình 8: Ứng dụng trong ngành nông nghiệp

Một số ứng dụng trong nông nghiệp nổi bật:

Nông nghiệp chính xác

Nông nghiệp chính xác là phương pháp mà nông dân quản lý cây trồng sao cho đảm bảo hiệu quả đầu vào như nước, phân bón và để nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng. Thuật ngữ này cũng bao gồm giảm thiểu sâu bệnh, lũ lụt và bệnh tật. Các máy bay không người lái cho phép nông dân giám sát điều kiện cây trồng và vật nuôi một cách nhất quán từ trên không để tìm ra những vấn đề không thể nhìn thấy được khi kiểm tra tại mặt đất. Một ví dụ điển hình là một nông dân có thể kiểm tra xem cây trồng của mình có được tưới nước đúng cách không bằng cách sử dụng kỹ thuật time-lapse.

2. Lập bản đồ / Khảo sát

Những chiếc máy bay không người này được trang bị phần mềm lập kế hoạch bay cho phép người dùng chụp khu vực mà họ cần. Trong quá trình bay, máy bay sẽ tự động chụp ảnh bằng camera tích hợp cùng với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để lưu lại thông tin vị trí chụp.

3. Trồng trọt / Phun thuốc

Các máy bay không người lái có khả năng phun thuốc trừ sâu chính xác hơn máy bay cánh quạt kéo truyền thống, làm giảm chi phí và phơi nhiễm với thuốc trừ sâu đối với những người nông dân.


Hình 9: Máy bay UAV phun thuốc trừ sâu

B. Khai thác mỏ

Máy bay không người lái mang lại rất nhiều lợi ích cho các khu khai thác mỏ, từ việc gia tăng an toàn lao động đến việc tăng năng xuất.

  1. Đo lường bãi chứa

Trước khi có máy bay không người lái, việc đo lường các bãi chứa là một công việc tốn rất nhiều thời gian. Cách đo truyền thống là trèo lên các bãi chứa với thiết bị GPS, sau đó các nhà khảo sát sẽ thu thập các dự liệu và lập bản đồ để ước lượng kích cỡ của kho dự trữ. Đây là cách nguy nhiểm và thiếu chính xác, thiếu hiệu quả để quản lý và thống kê hàng hóa.

Máy bay không người lái có thể bay theo lộ trình đã được xác định sẵn, truyền tải dữ liệu lên đám mây, 3D hóa mô hình khu vực khai thác mỏ giúp cho việc đo lường chính xác hơn bằng các hình ảnh có độ phân giải cao.


Hình 10: Mô hình 3D khu vực khai thác mỏ xây dựng

2. Giám sát và lập bản đồ

Một trong những cách sử dụng máy bay không người lái để giám sát điển hình là phân tích trước và sau vụ nổ .

Máy bay không người lái cũng được sử dụng để cải thiện an toàn đường bộ bằng cách giám sát giao thông, tình trạng đường xá và các mối nguy hiểm.

3. Giám sát và phục hồi

Máy bay không người lái hỗ trợ công việc quan sát các vấn đề tiềm ẩn với việc cải tạo và xác định bằng chứng về hỏa hoạn ngầm thông qua các thông tin thời gian thực thu được từ các máy ảnh hồng ngoại và máy ảnh nhiệt.

Máy quay nhiệt giúp kiểm tra cơ sở hạ tầng, xác định các điểm nóng trên các bãi chứa giúp tránh nguy cơ cháy nổ và bảo vệ thiên nhiên xung quanh.

4. Các ứng dụng khác

  • Quản lý tài sản và lập kế hoạch
  • An ninh và giám sát
  • Kiểm tra cơ sở hạ tầng và thiết bị
  • Phát hiện vấn đề và ứng phó khẩn cấp

C. Quy hoạch và xây dựng

Kiểm tra độ chính xác trong trắc địa tạo cơ sở dữ liệu cho các phương án quy hoạch đô thị (quy hoạch chính cho khu vực đô thị và các khu vực dân cư ngoại ô, quy hoạch quỹ đất, quy hoạch dự án và khảo sát đất đai, quy hoạch công trình xây dựng và phát triển vùng).

Ứng dụng trắc địa chính xác để phát hiện công tác địa chính và phát hiện sai sót trong kiểm kê quỹ đất.

Hình 11: Ứng dụng trong ngành quy hoạch và xây dựng

Phát hiện vi phạm đất đai, quy hoạch đô thị và quy định về môi trường.

Giám sát xây dựng, tình trạng hạ tầng cơ sở, tình hình môi trường, các tình trạng khẩn cấp.

Thực hiện khảo sát và kiểm kê bất động sản cũng như hạ tầng cơ sở.

D. Thủy hải sản

Hình 12: Ứng dụng trong ngành nuôi trồng thủy hải sản

Việc sử dụng máy bay không người lái mở ra những cơ hội mới đến việc kiểm tra các cơ sở nuôi trồng thủy sản và các hoạt động hàng hải. [3]

1. Phát hiện ra các nguy cơ tiềm tàng

Các hình ảnh chụp thực tế từ máy bay không người lái kết hợp với các bản vẽ thiết kế và thông tin khác của cơ sở nuôi trồng có thể giúp xác định và so sánh được các yếu tố không phù hợp liên quan đến hệ thống neo đậu hoặc sự biến dạng các phao nổi. Bằng cách này người quản lý có thể nhận được cảnh báo sớm về các nguy cơ hỏng hóc thiết bị và có kế hoạch phòng ngừa rủi ro.

2. Số hóa tài liệu

Ngành nuôi trồng thủy hải sản đang phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, quy định an toàn lao động, quy định ô nhiễm môi trường. Với sự trợ giúp của máy quay kỹ thuật số chất lượng cao, tất cả các thông tin thực tế đều được ghi lại chính xác, chi tiết giúp việc quản lý và giám sát dễ dang hơn.

3. Thủy sản chính xác

Máy bay không người lái hiện góp phần xây dựng nền thủy sản chính xác qua các ứng dụng sau:

Xác nhận chất lượng và số lượng thủy sinh
Đảm bảo chất lượng thủy sinh và được cho ăn tối ưu bằng cách luôn cho ăn 1 lượng thức ăn phù hợp
Theo dõi quá trình nuôi thủy sinh.
Quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản, đánh giá tác động môi trường, phân bố nguồn lợi thuỷ sản.

E. Xây dựng

Hình 13: Ứng dụng trong ngành xây dựng

Máy bay không người lái đã và đang đóng góp vai trò lớn trong cách mạng tự động hóa ngành xây dựng

Những chiếc máy bay không người lái quan sát công trường xây dựng từ trên cao để cung cấp báo cáo về tiến độ thi công, giám sát điều tiết công việc vận chuyển vật liệu và cập nhật thường xuyên bất cứ sự thay đổi nào cần thiết cho công trình.

Công ty chuyên sản xuất thiết bị máy móc cho ngành xây dựng Nhật Bản Komatsu đang tiến một bước xa hơn khi sử dụng những chiếc máy bay không người lái để cung cấp con mắt cho những chiếc xe ủi tự hành [4]. Những chiếc máy bay không người lái này có nhiệm vụ gửi những mô hình 3D về công trường xây dựng đến một chiếc máy tính để từ đó cung cấp thông tin cho những máy ủi tự động xác định vị trí làm việc của chúng. Sự kết hợp các công nghệ như thế có thể tạo ra một công trường xây dựng tự động hóa hoàn toàn trong tương lai không xa.

F. Khảo sát công trình

1. Dầu khí

Cung cấp cho các nhà thầu, chủ đầu tư của những công trình xây dựng hay dàn khoan dầu khí cái nhìn toàn cảnh và rõ nét những quy trình xây dựng hoàn thiện của mình. Đặc biệt là những dàn khoan dầu khí ở ngoài biển, sẽ rất khó khăn cho những nhà nghiên cứu khảo sát và xem xét việc hoạt động của dàn khoan.

Hình 14: Ứng dụng trong ngành dầu khí

Máy bay UAV kết hợp với công nghệ vạn vật kết nối IoT đang được sử dụng để phát hiện rò rỉ khí đốt, phát hiện tràn dầu, khảo sát, lập bản đồ, kiểm tra đường ống dẫn và phục vụ an ninh.

2. Viễn thông

Hình 15: Ứng dụng trong ngành viễn thông

Máy bay không người lái giúp giám sát các hệ thống hạ tầng mạng viễn thông, phát hiện các sự cố bất thường xảy ra với các hệ thống trạm phát sóng, các cơ sở điều hành và bảo dưỡng mạng.

3. Theo dõi thiên tai, trượt lở đất


Hình 16: Ứng dụng trong việc theo dõi thiên tai, trượt lở đất

Xác định các khu vực có nguy cơ trượt lở, đánh giá thảm hoạ sau thiên tai, lên phương án và lựa chọn kế hoạch khắc phục tối ưu.

4. Theo dõi các đối tượng biến động

Hình 17: Ứng dụng trong theo dõi các đối tượng biến động

Khảo sát định kỳ, so sánh tính toán biến động đường bờ nước, biến động đường biên rừng ngập mặn, xói mòn ven biển, cửa sông.

G. Công nghiệp vận tải

Cách mạng hóa ngành công nghiệp vận tải bằng cách sử dụng máy bay không người lái.

1. Vận chuyển hàng hóa

Hình 18: Vận chuyển hàng hoá, thuốc men, đồ cứu trợ

Công dụng của máy bay không người lái không thể không nhắc đến đó chính là hỗ trợ vận chuyển hàng hoá, thuốc men và đồ cứu trợ. Ở bất kì đâu cũng vậy, thiên tai luôn là mối hiểm hoạ không thể lường trước được, và đôi khi địa hình khó khăn khiến đội cứu hộ không thể tiếp cận được với những người đang gặp nguy hiểm và thiếu thốn về lương thực, điều kiện trang thiết bị y tế. Đã có rất nhiều trận động đất, lũ lụt khiến cho một khu vực bị cô lập hoặc những vụ sập mỏ người ngoài không thể chui vào bên trong để đưa đồ tiếp tế được. Vậy nên hiện tại, sử dụng máy bay không người lái sẽ giúp cho việc hỗ trợ hiệu quả hơn và an toàn hơn cho đội cứu hộ. Công ty hàng không Matternet hiện đang xây dựng một mạng lưới để vận chuyển thuốc đến các khu vực gặp nguy hiểm [5]. Google mới đây cũng tiết lộ về Project Wing dùng máy bay không người lái để thực hiện mục đích vận chuyển hàng hóa [6].

2. Hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn

Việc tìm kiếm người mất tích sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và ít tốn chi phí hơn nhờ máy bay không người lái chuyên dùng trong công tác tìm kiếm người bị mất tích, người bị bệnh về nhận thức hay cứu trợ thiên tai.

Hình 19: Hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn

Điều này có được nhờ kích thước nhỏ gọn khả năng bay linh hoạt hơn trực thăng cứu hộ, chi phí vận hành rất rẻ, và máy bay không người lái ngày nay được trang bị nhiều loại máy ảnh chuyên dụng như camera zoom, camera cảm biến nhiệt độ,….

IV. KẾT LUẬN

Năm 2017 đã chứng kiến mạnh mẽ những ý tưởng khai thác lợi thế của loại phương tiện máy bay không người lái nhằm phục vụ cho cuộc sống.

Các ứng dụng liên quan đến máy bay không người lái càng càng được sử dụng nhiều hơn trong các lĩnh vực của xã hội. Chi phí để sở hữu máy bay không người lái giảm xuống nhanh, đã giúp cho quá trình xã hội hóa máy bay không người lái diễn ra thuận lợi. Quan trọng hơn, nhận thức cộng đồng về ứng dụng của máy bay không người lái cũng thay đổi rất nhanh. Đó là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngành công nghiệp máy bay không người lái đang ở thời điểm quan trọng, tác động tích cực đến đời sống hằng ngày của chúng ta.

Hình 20: UAV quân sự

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exclusive content

Latest article

More article