GDVN- Hơn 30 năm sinh sống, làm việc tại Nga, GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ vẫn quyết định trở về, vì một lẽ: “Việt Nam là đất nước của mình, nơi mình được sinh ra”
Ngôi nhà nhỏ trên phố Tràng Thi được chia làm hai, một nửa là không gian sống của gia đình Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, một nửa dành cho Viện Công nghệ VinIT – nơi những nhà khoa học yêu nước đang thắp lên hy vọng và khát khao cống hiến cho quê hương bằng những tia sáng plasma.
Đến bên từng sản phẩm công nghệ, chạm tay vào từng thiết bị mình chế tạo, Giáo sư Sỹ bồi hồi nhớ lại hành trình mình đến với nghiên cứu khoa học, hành trình trở về quê hương và cả nỗi đau đáu vì những mong ước còn dang dở.
Quê hương trong trái tim, luôn khát khao trở về
Thuở nhỏ, cậu học trò nghèo Nguyễn Quốc Sỹ đã mong ước học thật giỏi, trở thành nhà khoa học để mai này mang trí tuệ, tài năng của mình xây dựng quê hương đất nước.
Ước mơ ấy cứ lớn dần lên, trở thành động lực cho chàng trai suốt những năm tháng học tập tại trường. Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp loại giỏi trung học phổ thông, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Sỹ vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào đại học và được chọn đi du học tại Liên Xô.
30 năm gắn bó với nghiên cứu chuyên ngành vật lý công nghệ Plasma. Năm 2006, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ được nhận giải thưởng các Nhà khoa học trẻ do Tổng thống Liên bang Nga Putin trao tặng. Ông được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012 và Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học kỹ thuật Điện của Liên Bang Nga năm 2015.
Đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học, nhận được nhiều lời mời từ các đơn vị, các quốc gia phát triển nhưng Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ đã lên kế hoạch để trở về quê hương – khi đó, ông đang là Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Đại học Năng lượng quốc gia Nga (MEI), Giám đốc phòng thí nghiệm vật lý Plasma.
Năm 2016, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ tham gia thành lập Viện Công nghệ VinIT và được bầu làm Viện trưởng. Trong suốt 3 năm, ông đi về giữa hai nước Việt Nam – Nga để đảm bảo công việc. Cho đến năm 2020, ông cùng gia đình trở về quê hương sinh sống, dốc toàn tâm toàn lực cho sự phát triển của Viện công nghệ VinIT.
“Những năm tháng ở nước ngoài, Tổ quốc Việt Nam luôn trong trái tim tôi, hình ảnh cánh đồng lúa chín hay những chiều mùa đông trên khu sơ tán lưu lại trong tôi nỗi nhớ đong đầy.
Nếu ở Nga, tôi có Quỹ nghiên cứu, điều kiện sống, làm việc và phát triển sự nghiệp khoa học rất tốt. Nhưng tôi vẫn muốn trở về, vì một lẽ giản đơn: Việt Nam là đất nước của mình, nơi mình được sinh ra.
Trở về, tôi như được sống trong vòng tay ấm áp tình thương của người mẹ, để từng nhịp tim hơi thở của mình hòa vào dòng chảy cuộc sống quê hương Việt Nam.
Và hơn hết, đất nước chúng ta là một quốc gia đang phát triển, còn thiếu thốn về khoa học kỹ thuật, công nghệ, lực lượng nghiên cứu. Tôi nghĩ Việt Nam cần mình, cần những nhà khoa học như chúng tôi. Tôi nguyện mang tâm sức để xây dựng, đóng góp cho tổ quốc – đó cũng là khát khao từ thuở tấm bé”, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ tâm sự.
Dẫu là vậy, trở về cũng là một quyết định không dễ dàng, khi cả gia đình đã có cuộc sống ổn định tại Nga, khi các con được sinh ra, lớn lên và học tập ở Moskva, đã quen với tập quán, văn hoá, môi trường, cuộc sống Nga.
Dù biết sẽ có không ít xáo trộn trong cuộc sống nhưng gia đình nhỏ của Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ đều sẵn sàng hi sinh vì công việc chung, vì những mục tiêu cao cả.
Cả gia đình đều mong Viện công nghệ VinIT sẽ đưa Việt Nam trở thành đất nước đi lên từ công nghệ và làm chủ công nghệ, phát triển mạnh, bền vững, đó cũng là mơ ước thánh thiện của mỗi người dân Việt Nam.
“Hiện tại, các con tôi đang học tập tại Trường Trung học phổ thông Nga của Đại sứ quán Nga. Ngoài văn hoá Nga, tôi muốn các cháu tiếp thu văn hoá Việt, trong gia đình luôn giáo dục các cháu giữ gìn truyền thống người Việt Nam, học tập rèn luyện sau này phục vụ đất nước.
Trong các phát minh sáng chế của tôi và đồng nghiệp có thể không có tên của những người thân trong gia đình nhưng luôn có bóng dáng của họ, sự cỗ vũ, đóng góp và cả những hi sinh”, thầy Sỹ xúc động nói.
Đau đáu vì những sáng chế khoa học còn “nằm yên” trong phòng thí nghiệm
“Viện Công nghệ VinIT dù số lượng trang thiết bị, đầu tư, nhân sự ở mức khiêm tốn nhưng chúng tôi có những niềm tự hào riêng. Và niềm tự hào lớn nhất là chính tình yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm với đất nước, với xã hội của các cán bộ, nhà khoa học dù đang làm việc trong nước hay ngoài nước.
Điều đó được thể hiện bằng hiệu quả công việc, tinh thần sáng tạo của cả một tập thể, 30 đơn sáng chế trong vòng hai năm qua là sự bùng nổ về tri thức, sáng tạo và cũng là minh chứng cho hành trình làm việc miệt mài của đội ngũ nhà khoa học VinIT”, Giáo sư Sỹ chia sẻ.
Các sáng chế của VinIT phủ khắp lĩnh vực ứng dụng, thể hiện năng lực nghiên cứu, khả năng đột phá, tính ứng dụng sâu rộng, đa ngành, mà nền tảng là công nghệ plasma.
Đặc biệt, Viện công nghệ VinIT có nhiều phát minh công nghệ có tính mới, sẵn sàng ứng dụng nhanh chóng cho thị trường.
Thời gian qua, Viện Công nghệ VinIT đã triển khai một loạt dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ trên nền Plasma nhiệt độ thấp, Plasma lạnh, Plasma nhiệt cho xử lý rác thải môi trường, ứng dụng công nghệ Plasma lạnh khử khuẩn bề mặt và diệt virus trong phòng chống Covid-19, khử khuẩn bề mặt, xử lý đầu ra cho nông sản, thực phẩm…
“Việt Nam chúng ta là đất nước đi lên từ ngành nông nghiệp nhưng người dân còn quá nhiều vất vả với cảnh “được mùa mất giá”, chúng ta chưa có nhiều ứng dụng khoa học trong bảo quản nông sản, thực phẩm nên không đẩy mạnh xuất khẩu được, thậm chí là sản phẩm được xuất đi rồi còn bị trả về.
Ứng dụng công nghệ Plasma lạnh, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp bà con nông dân, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài với chất lượng tốt nhất”, Giáo sư Sỹ bày tỏ.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Viện công nghệ VinIT cũng đã sáng chế được nhiều sản phẩm hữu ích với mong muốn chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, từ hệ thống buồng khử khuẩn chống lây nhiễm chéo đã được Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cùng các nhà khoa học nâng cấp thành sản phẩm hệ thống buồng hấp Plasma, dùng để khử khuẩn và điều trị các bệnh đường hô hấp với những cải tiến để nâng cao hiệu quả khử khuẩn diệt virus.
Viện Công nghệ VinIT cũng đã nghiên cứu, chế tạo thành công, tạo ra hệ thống đầu phát Plasma công suất lớn, sẵn sàng ứng dụng để xây dựng những lò Plasma xử lý các chất thải rắn nguy hại, giải quyết bài toán nan giải về về môi trường hiện nay.
Trong năm 2022, Giáo sư Sỹ và các cộng sự cũng đã nghiên cứu thành công việc ứng dụng công nghệ Plasma trong điều trị vết thương hở và có thể ứng dụng trong y học.
Đặt trọn tâm huyết trong từng sản phẩm khoa học, miệt mài với những nghiên cứu mới nhưng đến nay, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ vẫn trăn trở vì những nghiên cứu của mình còn bị “giam hãm” trong phòng thí nghiệm.
“Các nghiên cứu của chúng tôi chỉ là thuần túy về mặt công nghệ, kỹ thuật, còn để có được giao ứng dụng triển khai thực tiễn không, và nếu giao rồi thì làm thế nào để chúng tôi có thể thực hiện được lại là một câu chuyện khác, và để làm được điều này không chỉ phụ thuộc vào nhà khoa học mà cần rất nhiều sự chung tay của các Bộ, Ban, Ngành.
Chúng tôi làm ra công nghệ lõi, nếu có phối hợp thẩm định, phối hợp triển khai thì Việt Nam sẽ được sở hữu, làm chủ về công nghệ đó, điều đó mang lại lợi ích cho xã hội, cho đất nước, cho nhân dân”, thầy Sỹ chia sẻ.
Theo Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, việc ứng dụng khoa học công nghệ ra thị trường hiện còn nhiều khó khăn, rào cản. Cụ thể như cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, chính sách tầm vĩ mô rất tốt, định hướng đúng nhưng ở tầm triển khai ứng dụng còn lúng túng, thiếu quy định, thiếu người có kinh nghiệm triển khai dự án.
Hệ thống tổ chức quản lý khoa học công nghệ của chúng ta còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là khâu tổ chức triển khai các dự án khoa học công nghệ.
Khó khăn nữa đến từ khâu thị trường, thị trường khoa học công nghệ của chúng ta gần như không có hoặc rất nhỏ, thị trường chủ yếu là nhập máy móc trang thiết bị từ nước ngoài về để sử dụng, mà chưa đủ tầm để tiếp thu những phát minh sáng chế, những công nghệ mới tại Việt Nam.
Hơn nữa, ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn hẹp, nước ta là một trong những quốc gia có tỷ suất đầu tư cho khoa học công nghệ thấp nhất. Các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ cũng phân bổ không hợp lý, nhiều đề tài dự án của chúng ta làm chưa hiệu quả.
Khi nguồn đầu tư đã nhỏ rồi mà không hiệu quả, các ứng dụng công nghệ không đưa được vào cuộc sống, không biến thành dòng tiền tái đầu tư cho các dự án khoa học công nghệ tiếp theo và không đem lại giá trị lớn cho xã hội.
Chúng ta cũng đang thiếu những dự án công nghệ cao cả về số lượng và chất lượng, thiếu kiến thức tổ chức, triển khai về khoa học công nghệ, kiến thức quản trị, thiếu cả những chuyên gia đầu đàn để dẫn dắt dự án khoa học công nghệ.
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, đó là những khó khăn rất lớn đang kìm hãm sự phát triển khoa học tại Việt Nam, với viện công nghệ VinIT những khó khăn đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những nghiên cứu ứng dụng.
Muốn ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cần có sự kết hợp giữa nhà khoa học- nhà nước – doanh nghiệp, cần khai thông cơ chế để triển khai các dự án khoa học công nghệ.
Việt Nam là đất nước đang phát triển, chúng ta phải đưa đất nước tiến lên bằng con đường giáo dục, con đường khoa học công nghệ.
Trong thời gian tới, Viện Công nghệ VinIT sẽ có những bước chuyển mình, trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, không đơn thuần chỉ làm về nghiên cứu.
“Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp, hợp tác những dự án lớn với các đơn vị khoa học công nghệ nước ngoài, và mục tiêu cuối cùng cũng là để phục vụ cho cho sự phát triển của đất nước Việt Nam.
Và tôi tin rằng, tất cả các nhà khoa học của chúng ta với tâm huyết, tình yêu, trách nhiệm với đất nước đều đang miệt mài làm việc, khát khao cống hiến cho tổ quốc thân yêu. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm nghiên cứu bằng tinh thần ấy, tình yêu ấy”, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ tâm sự.
Nguồn: giaoduc.net.vn