Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Tính cuối năm 2021, trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Con số này ngày càng phình to và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ ở môi trường mà còn là sức khỏe của người dân. Rác thải sinh hoạt gia tăng có thể trở thành vấn đề “khủng hoảng” môi trường, môi sinh và đang là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để xử lý rác thải.
Quốc hội cũng đã ban hành 2 nghị quyết gồm Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, đều đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
Cùng với đó, để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cần phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn mới, thân thiện môi trường và giảm thải khí nhà kính.
Với chủ đề “Công nghệ xử lý rác – Lựa chọn nào phù hợp”, Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cử tri xung quanh vấn đề này; tạo điều kiện cho các tỉnh, thành, doanh nghiệp tiếp cận và quyết định lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý vấn đề bức xúc hiện nay; góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Thực trạng các phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt đô thị
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Cùng với mức sống của nhân dân ngày càng nâng cao, công cuộc công nghiệp hoá phát triển mạnh, thì rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp ngày càng nhiều, với những thành phần phức tạp, đa dạng, khó xử lý bằng phương pháp truyền thống như chôn lấp, tái chế đơn thuần… Rác thải đã và đang trở thành một vấn đề nóng trong sinh hoạt đô thị, đe dọa đời sống bền vững, cân bằng và trong lành.
Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 – 9.000 tấn rác thải. Có thể thấy, khi kinh tế phát triển, đời sống nâng cao thì mức độ xả rác cũng tăng theo. Chính vì vậy tìm được biện pháp hay công nghệ xử lý rác thải hiệu quả đang là điểm “nóng” còn nhiều vướng mắc, băn khoăn mà chính quyền còn ngập ngừng chờ đợi, người dân mong ngóng. Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89 – 90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tuy nhiên, để Nghị quyết của Quốc hội không trở thành khẩu hiệu và không rõ địa chỉ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành. Và nếu không quyết liệt thực thi, lựa chọn công nghệ phù hợp, các độ thị, thành phố không thể hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ – Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, là chuyên gia cao cấp đã nghiên cứu thành công công nghệ plasma xử lý chất thải y tế ưu việt, thân thiện môi trường; sản phẩm của Viện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 01.2022. Vậy ông đánh giá về rác thải và thực trạng các công nghệ xử lý rác thải hiện nay như thế nào?
GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT:
Có thể nói, việc xử lý rác thải ở Việt Nam là khó nhất. Khó không chỉ ở phân loại, khó không chỉ ở độ ẩm cao, nhiệt lượng thấp, giá thành xử lý trên một tấn rác thấp so với khu vực. Và một trong những bài toán khó nhất hiện nay là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác. Các nước phát triển như Đức, Na Uy… rác thải trên 1 tấn là 50-80klo/1 tấn, hàm lượng độ ẩm 20% còn ở Việt Nam lên đến 60-70%, trong khi công nghệ không có, hệ thống thu gom không phân loại tại nguồn.
Thứ hai, xử lý rác phải cần có công nghệ, chúng ta không thể hô khẩu hiệu, bởi lẽ các nước khác có thể thực hiện chôn lấp khi họ có diện tích đất đai lớn như sa mạc, hoặc những vùng không có người ở thì có thể thành công với công nghệ chôn lấp. Nhưng với điều kiện ở Việt Nam dân số đông, khí hậu của chúng ta về lâu dài không cho phép sử dụng công nghệ chôn lấp.
Hiện nay, một công nghệ đang được thế giới chú ý là công nghệ plasma. Nó cũng có những nhược điểm nhất định, nhưng bảo đảm tiêu hủy triệt để rác thải không phân loại như của Việt Nam. Nhưng về vấn đề kinh tế, chuyển giao công nghệ … thì lại phải cân nhắc. Nếu đứng thuần túy về mặt công nghệ thì đó là công nghệ mà chúng ta có thể lưu tâm.
Thứ ba, về thói quen, tác phong sinh hoạt của người Việt, việc phân loại rác, thu gom gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các nước khác. Đây không phải là vấn đề một sớm một chiều mà chúng ta có thể thay đổi được. Tới đây, nếu người dân không thực hiện phân loại rác thì sẽ bị xử phạt. Nhưng trong quá trình chưa xử lý được chúng ta phải có những bước đệm, lộ trình.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ plasma trong xử lý rác thải, xin ông chia sẻ công nghệ này có điểm gì ưu việt và điểm gì mà chủ đầu tư còn băn khoăn?
GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT:
Về công nghệ MYT, thực tế nhiệt trị thấp hơn 3 lần so với số liệu mà ông Nguyễn Cao Trí đưa ra. Thứ hai, về mặt công nghệ thì vi sinh phân hủy rất chậm ảnh hưởng đến quá trình phát điện công nghiệp.
Còn về công nghệ plasma, những băn khoăn của các đại biểu hôm nay là sử dụng công nghệ cao tuy xử lý triệt để nhưng giá thành rất cao. Trong khi hiện nay công nghệ chúng ta chưa có gì. Vậy, với giá thành cao như hiện nay chúng ta có thể tiếp cận được công nghệ plasma hay không?
Về xử lý rác thải chúng tôi tập trung nghiên cứu, ứng dụng dựa trên những nền công nghệ mà chúng tôi đang có để phát triển tiếp tại Việt Nam. Cốt lõi của công nghệ này là dùng một dòng plasma nhiệt ở nhiệt độ cao để đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí về môi trường. Và làm thế nào để có tính thương mại, có lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Tôi xin giới thiệu 2 công nghệ đó là công nghệ khí hóa plasma và công nghệ thiêu kết plasma. Với công nghệ khí hóa plasma là công nghệ biến carbon hidro trong chất thải thành khí tổng hợp. Chúng tôi tạo ra khí này rất nhanh mà không phải dùng vi sinh.
Thực chất ở Việt Nam không có công nghệ plasma, công nghệ plasma của thế giới hiện đại là chưa hoàn thiện. Lý do thứ nhất hệ thống đầu phát của công nghệ plasma mà thế giới hiện nay đang dùng là đầu DC, có tuổi thọ nhỏ, hệ số kém. Còn đầu chúng tôi đang dùng là đầu AC 3 pha, thời gian làm việc cao hơn.
Về thuận lợi của công nghệ này đó là công nghệ khí hóa ở nhiệt độ cao (T> 1.700°C) giúp phân hủy triệt để các chất thải hữu cơ và vô cơ, không thải ra các chất độc hại như Dioxin và Furans; Công nghệ kỵ khí (nghèo oxy) trong đó năng lượng sử dụng cho phản ứng không dựa trên quá trình oxy hóa C và H thông thường mà từ dòng plasma; Hệ số khí hóa lớn (lên đến 93% -95%); Hàm lượng tro, xỉ thải ra môi trường thấp. Các thành phần thủy tinh hóa có thể được sử dụng để sản xuất tấm bê tông tường chắn sóng; Là công nghệ duy nhất có khả năng xử lý triệt để chất thải nhựa, nylon, lưu huỳnh và các tạp chất nhiễm độc (thủy ngân, cadimi, chì, xenon, cyan, rác thải điện tử,…) do không có khả năng phân loại thành chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Đảm bảo tất cả các chỉ tiêu môi trường nghiêm ngặt nhất như G7, EURO6; Không cần phân loại chất thải, chỉ cần phân loại trước để loại bỏ các mảnh vụn, gạch, đá, kim loại.
Về công nghệ thiêu kết plasma có thuận lợi là hệ thống đầu phát Plasma của VinIT có nguồn nhiệt tập trung với nhiệt độ lên tới 7000-10000 K giúp phân tách các phân tử phức tạp và độc hại thành các phân tử đơn giản, không độc hại, không sinh Dioxin và Furan; Nguồn nhiệt plasma cho phép thủy tinh hóa các hóa chất độc hại và chất thải; Hàm lượng tro, xỉ thải ra môi trường thấp. Thành phần xỉ ở dạng thủy tinh có thể chôn lấp và lưu giữ lâu dài mà không ảnh hưởng đến môi trường; Công nghệ tiên tiến xử lý chất thải độc hại, chất thải nguy hại, chất thải y tế, chất thải công nghiệp, chất thải nhiễm kim loại nặng như Thủy ngân, Cadmium, Chì, Xenon, Cyan, rác thải điện tử v.v… VinIT sở hữu toàn bộ quy trình công nghệ từ nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo, lắp ráp, vận hành và đào tạo, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, suất đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh từ 5-7 năm, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nguồn: daibieunhandan.vn