Tuần Việt Nam – LẼ NÀO NGÀNH Y TẾ ĐANG “CẦM VÀNG MÀ ĐỂ VÀNG RƠI”? 

0
307

Thú thật, tôi cũng hơi bất ngờ khi vừa mới đây hay tin rằng công trình khoa học “Hệ thống buồng hấp plasma PlasDif-S cho khử khuẩn và diệt virus chống đại dịch Covid-19” của GS, TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT đã chế tạo ra từ tháng 4/2020, có chức năng khử khuẩn bề mặt, diệt virus trực tiếp trên người để chống lây nhiễm chéo và và điều trị các bệnh đường hô hấp, tiêu diệt virus Sars-CoV-2 nhưng không biết làm cách nào có thể được Bộ Y tế xem xét, thẩm định sớm. Nhất là vừa qua, ngày 4/9/2021, công trình lại được nâng cấp với nhiều tính năng kỹ thuật hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sử dụng đại trà, góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Thế nhưng thật đáng tiếc, hơn một năm vừa qua, họ không được bất cứ một cơ quan nào từ Bộ Y tế đến Bộ Khoa học và Công nghệ… để mắt và quan tâm hỗ trợ để họ có thể đi đến thành công như hôm nay một cách nhanh hơn khi mà tất cả xã hội chúng ta, ai cũng xem việc chống dịch như chống giặc. Thế nhưng…

+ Từ câu chuyện dùng binh chủng hoá học khử khuẩn không giống thế giới, Bộ Y tế bất ngờ thông báo dừng phun …

Khi tôi thấy hiện tượng những chiếc xe đặc chủng của Trung đoàn Hoá học thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô phun khử khuẩn tại các bệnh viện như Bạch Mai, bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2, v.v… thì cũng có thắc mắc rằng tại sao không thấy thế giới họ làm như chúng ta? Thế nhưng vì kiến thức về hoá học và y tế của tôi còn hạn chế nên cũng không biết sâu để có thể lý giải chuyện đúng sai.

Khi thấy thế giới họ khuyến cáo việc này và báo chí trong nước dịch ra cho rằng rất không nên dùng hoá chất như vậy để khử khuẩn vì nó là con dao hai lưỡi. Tôi đem chuyện này đi hỏi Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải, người được người dân Việt Nam quý mến và đã quen gọi cả chục năm qua bằng cái tên “Ông già Ozone” rất thân thiết.

Tiến sĩ Khải cười phá ra rồi nói, cậu mà cũng không hiểu vì sao à? Vì cái chất (cloramin B) nó chất độc hại. Thứ này mà dính vào da thì dễ sinh bệnh ngoài da. Như vậy, nếu như có khử được virus Sars-CoV-2 thì rất tốn kém và cũng rất độc cho môi trường và con người.

Tôi hỏi ông, vậy không lẽ Bộ Y tế và Binh chủng Hoá học Quân đội không biết mặt trái của nó hay sao mà còn dùng? 

Ông nghe tôi thắc mắc thì ông thêm một lần cười rõ lớn và nói: Họ phun như cậu thấy là phun hình thức đó thôi. Tức là họ biết độc nên pha rất loãng, không độc lắm. Mà đã thế thì lợi đủ đường. Lợi gì thì cậu tự tìm hiểu.

Tôi vẫn không tin lắm vì không lẽ việc như vậy mà Bộ Y tế không biết.

Thế nhưng về ngẫm lại thì có lẽ thế thật khi người nhận xét điều này từng sản xuất nước Anolyte KT. Nó có 9 loại i on trong đó có Ozone. Song dân chỉ quen gọi ông là “ông già Ozone”. Ông đã bán cho nông dân miền núi phía Bắc để chữa bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò, lợn giá rẻ như bèo mà tôi rất kính nể từ gần 20 năm qua cho đến tận bây giờ. Năm 2006, tại Hội trường Quốc hội, đương kim Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã đánh giá rất cao chuyện này bằng một câu: Cám ơn tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đã cứu giúp nông dân 37.000 con bò và lợn khỏi bệnh lở mồm long móng.

Nước Anolyte KT mà ông sản xuất ra đó, cả chục năm nay, nó lại được nhiều cơ sở “trồng cây lấy trái” dùng. Nó cũng đã được ông cho không hề lấy tiền. Dân đã dùng để nhúng trái cây khử khuẩn. Nó giúp chống được nấm mốc cho trái cây. Nhờ vậy mà được lưu giữ, lâu hỏng hơn gấp nhiều lần (quả cam thêm 3 tháng; thanh long thêm 1,5 tháng; riêng bưởi được thêm 6 tháng …) Thứ nước đơn giản đó đã giúp cho người nông dân rất lớn trong duy trì sức sản xuất (trâu bò không chết vì dịch) và sau thu hoạch. Ông Hoàng Văn Năm, nguyên Cục trưởng Cục Thú y Bộ Nông nghiệp &PTNT từng nhận xét rằng “đây là cái phao của nông dân”…

Tôi được tiến sĩ Khải cho biết, từ năm 2004 các chuyên gia y học ở 28 viện và bệnh viện đã nghiên cứu, cung cấp kết quả cho Viện Hàn lâm KH&CN VN: diệt hết các loại virus, vi khuẩn nấm mốc, bào tử như H5N1, EV71, lở mồm long móng, tai xanh, ỉa chảy Châu Phi. Bộ Y tế đã có hợp đồng khử trùng trong các bệnh viện với tổng số hơn 500 máy.

Chính những ví dụ trên đã khiến tôi tin việc ông nhận xét về cách khử khuẩn virus Sars-CoV-2 bằng lực lượng hoá học quân đội là chưa khoa học. Sau nay chính Bộ Y tế đã có thông báo các địa phương không được dùng hoá chất nói trên để phun nữa, đặc biệt là phun vào người đi đường…

Có lẽ trước các thông tin của thế giới về việc này khiến Bộ Y tế phải nhìn lại dù hơi muộn?  Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải vẫn ấp ủ mong muốn được các cơ quan nghiên cứu khoa học tiến hành nghiên cứu và thí nghiệm việc dùng nước Anolyte KT cho bệnh nhân nhiễm virus Sars-CoV-2 làm nước xúc họng bởi theo ông nó cũng là nước khử khuẩn rất hiệu quả như ông đã chữa khỏi bệnh cho gia súc. Về mặt nào đó thì nó rất an toàn, không hề lo ngại bởi nó không hề độc hại và cực kỳ rẻ tiền. Tôi mong rằng việc này chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm trước khi có kết luận.

+ … đến việc Bộ Y tế ngỡ “có vàng mà để vàng rơi”…

Tôi đã từng viết vào năm ngoái khi Viện Công nghệ VinIT đóng điện thành công hệ thống buồng khử khuẩn chống lây nhiễm chéo, một thành công bước đầu của hành trình gian nan nhưng thật vẻ vang. Nó vẻ vang bởi một lẽ chính các nhà khoa học Việt Nam hôm nay đã về đích trong chặng đua trước một số quốc gia vốn quá nổi tiếng về công nghệ plasma trên thế giới như Mỹ, Đức, Nga, v.v. Vào đầu năm 2020, khi vừa bùng phát dịch bệnh, họ cùng bắt đầu hành trình tìm kiếm giải pháp sử dụng plasma lạnh để tiêu diệt Sars-CoV-2 vào một thời điểm như nhóm các nhà khoa học của VinIT chúng ta, thế nhưng Việt Nam ta lại là nước về đích sớm nhất, cụ thể là giữa tháng 2/2020 VinIT mới bắt đầu khởi động dự án, thì 17h30 ngày 20/4/2020, tức là chỉ sau 2,5 tháng đã chế tạo thành công buồng khử khuẩn này, thật là tốc độ phi mã. Trong khi gần 2 năm nay, các nhà khoa học tại các nước công nghiệp phát triển mới xong giai đoạn thí nghiệm để rút ra được kết luận là plasma lạnh có thể khử trùng hiệu quả và nhanh chóng các bề mặt bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2, bắt đầu nghiên cứu theo hướng này và hy vọng sau năm 2023 họ sẽ thu được kết quả mong muốn, có được thiết bị thương mại hóa. Vậy thành công của VinIT thật tự hào quá đi chứ.

Thế nhưng thật buồn khi biết rằng, ngay chính mảnh đất quê hương của mình, những người có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, đang chống giặc trong đại dịch Covid-19 lại tỏ ra hờ hững là sao với một nhà khoa học hàng đầu về công nghệ plasma như GS. TSKH, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, người từng có hơn 30 năm học tập và làm việc tại Liên bang Nga để rồi trước khi trở về tổ quốc, anh từng giữ chức Chủ nhiệm Khoa năng lượng Plasma thuộc Đại học Năng lượng Moskva (MPEI) và trước đó đã được phong hàm Viện sĩ ….

Tôi có liên lạc với tiến sĩ Nguyễn Nghĩa, ông hiện là Thư ký Hội đồng khoa học VinIT để tìm hiểu kĩ hơn những gì hơn năm qua đơn vị này tiến hành nghiên cứu để đi đến thành công như tôi vừa nêu.

Tôi được biết, ông là người đặc biệt quý trọng và cảm phục GS Nguyễn Quốc Sỹ. Ông kể rằng, khi ông tốt nghiệp ĐH bên Liên Xô cũ thì cũng là năm cậu bé Nguyễn Quốc Sỹ ra đời (1967).

Ấy vậy mà tiến sĩ Nguyễn Nghĩa, mặc dù biết nhiều nhà khoa học ở Việt Nam, nhưng ông dành tình cảm đặc biệt khi nói về GS Nguyễn Quốc Sỹ, vẫn có cái nhìn đầy cảm phục về một tài năng hiếm có như GS Nguyễn Quốc Sỹ hôm nay. Ông trải lòng tâm sự với tôi rằng, “Tôi làm việc với anh Sỹ đã hơn 3 năm nay mới thấy anh Sỹ giỏi thật sự. Giới khoa học Nga rất nể và kính trọng anh Sỹ, nhà khoa học được phong hàm giáo sư trẻ nhất nước Nga.

Đến nay, tôi mới thấy thật sự VinIT làm được nhiều công nghệ, mà làm rất nhanh, gấp vài lần mấy tổ chức khoa học nước ngoài vốn được xem là mạnh nhất trong nghiên cứu plasma. Chỉ trong gần 2 năm qua, VinIT đã có bước tiến nhảy vọt, thay đổi về chất và cũng là nhờ thành công trong việc chế tạo buồng khử khuẩn vào tháng 4/2020. Tôi có thể khẳng định luôn với anh, tại Việt Nam, ta không có cơ sở chính quy nào đủ kiến thức đào tạo về plasma. Nước ta chỉ có vài người học ở nước ngoài về lĩnh vực này, nhưng trình độ hiểu biết còn chưa sâu, có nhiều hạn chế.

Anh Sỹ giảng dạy vật lý bên Nga trên 30 năm, đồng thời lại là Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ plasma, nên vừa có kiến thức uyên thâm về vật lý plasma, vừa có bề dày kinh nghiệm chỉ đạo thực tế, lại thêm sự nhạy bén, cảm giác về công nghệ nữa, từng trải và dày dạn trong các chiến dịch thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế. Đó là một nhà khoa học có uy tín không chỉ tại Liên bang Nga mà cả trên thế giới, tức là kể cả trong giới khoa học phương Tây, trong số hàng chục giấy mời dự hội nghị/hội thảo quốc tế hàng tháng trong nhiều lĩnh vực vật lý, lượng tử, vật liệu mới, năng lượng mới, vật liệu nano, laser, y sinh học, v.v. có đến gần nửa số giấy mời anh Sỹ là chủ tịch hội thảo. Thật là ấn tượng thấy hình ảnh chính bản thân GS Rogalev Nicolay Dmitrievich, hiệu trưởng Đại học Năng lượng quốc gia Moskva (MPEI) đã kính trọng GS Nguyễn Quốc Sỹ như thế nào khi sang thăm VinIT vào năm 2018, rất trân trọng và cám ơn anh Sỹ về những đóng góp của anh Sỹ cho MPEI, đặc biệt đã xây dựng cho MPEI phòng thí nghiệm plasma mạnh nổi tiếng tại Nga và có uy tín cao trong giới khoa học quốc tế. MPEI là trường Đại học hàng đầu của Liên Xô cũ, nay là Nga, đã có công đào tạo hàng trăm chuyên gia cho Việt Nam. Rồi bạn bè Nga của anh Sỹ học với nhau từ năm thứ nhất tại Đại học Bách khoa Saint Petersburg, nay là doanh nhân thành đạt khi sang thăm Việt Nam cũng không quên nói câu chúc mừng anh Sỹ là nhà khoa học trẻ nhất nước Nga được phong hàm giáo sư (năm 2003 khi mới 36 tuổi).

Tôi nhớ như in trong đầu, vào năm 2017, khi bắt đầu làm việc với anh Sỹ, tôi nói với anh Sỹ là trong sự nghiệp khoa học, tôi đã tìm được minh chủ, và sẽ đi cùng anh Sỹ trong những năm tháng sau này, với tinh thần của những người cùng đi câu cá, có nghĩa là sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, bao giờ câu được cá thì sẽ chia nhau sau, và tôi tin chắc ngày đó sẽ đến. Còn anh Sỹ thì nói với tôi là rất cám ơn tôi đã cộng tác và sự gặp nhau này cũng là cơ duyên lớn đối với anh Sỹ. Đến nay, gần 4 năm làm việc ở VinIT cùng anh Sỹ với vai trò Thư ký hội đồng khoa học nên tôi biết nhiều việc, có tương đối nhiều thông tin, dữ liệu để xem xét và đánh giá mọi việc. Tôi đã từng nói với mọi người, mặc dù tôi đã nghỉ hưu, nhưng hình như bây giờ tôi mới bắt đầu làm việc. Tôi thấy rất hứng thú với công nghệ plasma, và mỗi ngày đều khám phá, tìm ra những điều mới lạ trong thế giới plasma lạnh mới nổi và non trẻ này. Sau 2,5 năm hoạt động, VinIT đang lột xác và nhanh chóng trưởng thành trở thành một Viện Công nghệ bắt đầu có uy tín trên cơ sở kho kiến thức tài sản trí tuệ, tài sản vô hình của mình rất giá trị với 23 đơn đăng ký sáng chế đã được chấp nhận. Đúng là sự kỳ diệu, có thể là câu chuyện cổ tích “Thánh Gióng” trong khoa học đang xảy ra với “cậu bé VinIT” vào thời điểm chưa đủ 3 năm hoạt động thật sự, giống như sự huyền diệu của plasma lạnh đang tạo ra những thành công tuyệt vời sau các “màn trình diễn” của GS Nguyễn Quốc Sỹ. Thật vậy, Viện Công nghệ VinIT đã trở thành “Lò luyện võ plasma” với người thầy có “võ nghệ” vật lý plasma cao cường, và nguồn gốc của mọi ý tưởng, mọi thành công của VinIT đều bắt nguồn từ GS Nguyễn Quốc Sỹ. Anh Sỹ có khát vọng cháy bỏng muốn tạo ra những công nghệ dân sinh phục vụ cho đất nước, với tình yêu Tổ quốc mãnh liệt, luôn luôn là con người của công việc, người bạn và đồng nghiệp tin cậy.

Thật buồn tại Việt Nam, mặc dù sản phẩm buồng khử khuẩn đã được thử nghiệm diệt khuẩn rất tốt và an toàn, nhưng vẫn rất khó được cấp phép, không thể vượt qua được những rào cản cứng nhắc, thiếu thực tế. Nếu coi vắc xin là “Tấm khiên” phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ cộng đồng, thì hệ thống buồng hấp plasma khử khuẩn này chính là “Đao kiếm” hỗ trợ phòng chống dịch, trợ thủ đắc lực bổ sung nhiều biện pháp hữu hiệu khác như khử khuẩn bề mặt toàn thân người, điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tính (COVID-19, MERS và SARS). Hơn nữa, sản phẩm này của VinIT là sản phẩm lại chưa hề có trên thế giới. Liên quan đến sử dụng plasma lạnh để diệt khuẩn, virus Covid-19 thì VinIT đi trước các nước phát triển vài năm. Phía bên Nga hiện họ cũng đang theo dõi công trình này rất sát sao. Vừa rồi họ đã liên lạc, ngỏ ý mong muốn sang Việt Nam tìm hiểu thêm để về áp dụng dù họ cũng đang làm các thí nghiệm.

Ở Việt Nam ta thì không có đủ các thiết bị đo lường chẩn đoán plasma như Mỹ, Đức, Nga. Chỉ có thể thử nghiệm y sinh thôi.

Bộ Y tế thì không có chuyên gia nên họ cũng không hiểu công nghệ plasma lạnh. Vì thế nên rất khó qua cửa ải Bộ Y tế. Tài liệu và thực tế sử dụng thiết bị plasma cho y sinh trên thế giới đã chứng minh rằng công nghệ này rất lành tính và an toàn, không chỉ diệt khuẩn trên bề mặt, chữa lành vết thương, mà còn dùng trong điều trị răng miệng, viêm niêm mạc, loét giác mạc…

Anh Sỹ là nhà khoa học lớn trong lĩnh vực plasma. Anh ấy hiểu rất rõ những ưu điểm tuyệt vời này.

Còn chúng tôi cũng hàng ngày va chạm với tia plasma nên rất hiểu bản chất vấn đề. Bây giờ, trong tuần lễ thử nghiệm lâm sàng, hàng ngày anh Sỹ đều ngồi đọc sách trong buồng khử khuẩn này vài lần, mỗi lần thí nghiệm theo các mức 5-15 phút và theo dõi các chỉ số sức khỏe, đóng vai trò như là “con chuột bạch trong thí nghiệm”. Giữa lúc gay go khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số ca bệnh nặng vẫn nhiều và tỷ lệ tử vọng ở Việt Nam lên tới 2,5%. Nó cao hơn mức trung bình của thế giới. Vậy giải pháp nào hợp lý cho phép sử dụng buồng khử khuẩn này, cần phải tìm hiểu thấu đáo, cân nhắc tìm ra giải pháp hợp lý để có được lời giải thỏa đáng. Mỹ, Đức còn chưa làm được thiết bị này, thế mà VinIT đã vượt họ vài năm, hơn nữa kết quả thử nghiệm lâm sàng, trong đó có thử nghiệm trên toàn thân người anh Sỹ, cho thấy là rất an toàn không có gì phải lo ngại, thì rõ ràng chúng ta cũng nên xem nó như một phát kiến rất hữu ích và khả thi do các nhà khoa học Việt Nam sáng chế, đi trước cả các nước tiên tiến. Trước tình hình dịch bệnh hết sức căng thẳng như hiện nay, nếu biết được những thông tin về tính hữu ích, hiệu quả khử trùng và độ an toàn của thiết bị plasma này, chắc chắn sẽ có nhiều chủ doanh nghiệp sẽ có những quyết định thông minh và thực tế để có được thiết bị này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe đội ngũ nhân viên của mình, thực hiện “mục tiêu kép”vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Hệ thống buồng hấp plasma đóng vai trò như là thiết bị hỗ trợ điều trị nhiễm Covid-19, được sử dụng cùng với các phương tiện khác như thuốc, máy thở, thiết bị y tế khác. Tôi nghe tiến sĩ Nguyễn Nghĩa phân tích mà thấy vừa vui, vừa tự hào song lại buồn cho đất nước, không một bộ ngành nào đến tìm hiểu, hỏi thăm chứ chưa nói đến chuyện hỗ trợ họ về tài chính bởi họ không phải là đơn vị của nhà nước thì cũng dễ hiểu.

GS Viện sĩ, TSKH Nguyễn Quốc Sỹ sinh ngày 20/2/1967 tại Hà Nội. Quê quán tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. GS Nguyễn Quốc Sỹ là chuyên gia đầu ngành của Liên bang Nga và thế giới về Vật lý và Công nghệ Plasma, Giáo sư Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva (MPEI), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên bang Nga từ năm 2015, Chủ tịch, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT. Ông thành lập Viện VinIT (thuộc Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) năm 2016 và trở về nước năm 2018.

Tôi có hỏi kỹ hơn thì được GS Nguyễn Quốc Sỹ cho biết về hiệu quả của hệ thống PlasDif-S. Theo GS, nó có thể sử dụng trong các trường hợp sau.

Thứ nhất, có thể sử dụng trong các khu điều trị

Hệ thống PlasDif-S đóng vai trò như là thiết bị hỗ trợ điều trị nhiễm Covid-19, được sử dụng cùng với các phương tiện khác như thuốc, máy thở, thiết bị y tế khác. Khi điều trị nhiễm Covid-19, cho bệnh nhân ngồi trong thiết bị, hít tia khí ion từ các nguồn plasma qua mũi, hoặc hầu họng trong 1 – 3 ngày hoặc nhiều hơn, mỗi ngày 2 – 5 lần, mỗi lần 40 – 120 giây tùy theo tình trạng nặng nhẹ trong các giai đoạn khác nhau. Tần suất trên có thể tăng giảm tùy theo thể trạng, sao cho đạt được hiệu quả chung của tập thể các bệnh nhân tại cơ sở điều tri và đạt mục đích làm giảm tải lượng virus Covid-19 trên đường hô hấp vào phổi. Hiệu quả điều trị được đánh giá qua mức độ thuyên giảm của các triệu chứng nêu trên, thường biều hiện rõ nét ngay trong giảm chứng mất khứu giác, chứng mất vị giác, ho khan, khó thở, v.v. ngay từ những ngày đầu tiên.

Thứ hai, sử dụng trong các khu cách ly, cửa khẩu, v. v.

Khử trùng bề mặt toàn thân người trong 1 – 3 phút nhằm tiêu diệt 100% vi khuẩn, vi rút Covid-19 trên người trước khi đi vào phòng cách ly hoặc nhập cảnh vào địa điểm.

Thứ ba, sử dụng để khử trùng vật phẩm y tế, vật dụng sinh hoạt thông thường

Hệ thống PlasDif-S có thể khử trùng bề mặt trong vòng 2 – 5 phút đối với bất kỳ vật phẩm, vật dụng nào như dụng cụ y tế, quần áo bảo vệ, đồ vật thông dụng như ga, chăn, gối, đệm, xe đẩy bệnh nhân, tủ, ghế, v.v. trong bệnh viện; thậm chí cả điện thoại di động, thiết bị điện tử, tiền giấy, vật liệu dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với nhiệt, hóa chất, v.v.

Hệ thống buồng hấp plasma cho khử khuẩn, diệt virus và điều trị các bệnh đường hô hấp PlasDif-S có khả năng khử khuẩn bề mặt sâu đạt hiệu quả khử khuẩn ở cấp độ trên 6log10, hàng triệu đơn vị khuẩn CFU/ml chỉ còn lại 01 đơn vị khuẩn sau thời gian xử lý 40 – 120 giây.

So với các phương pháp khử khuẩn thông thường khác, công nghệ CAP, theo GS Nguyễn Quốc Sỹ, nó có các ưu điểm sau:

1. Cho phép giải quyết nhiệm vụ quan trọng khử khuẩn và diệt virus diện rộng trên người, trang thiết bị. So với các thiết bị dành cho điều trị vết thương mãn tính được chuyển sang sử dụng trong điều trị thử nghiệm các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Đức và Iran, thì những thiết bị sử dụng công nghệ CAP do VinIT mới chế tạo ra là những thiết bị chuyên dụng, nên có khả năng tạo ra dòng plasma có mật độ ion cao, thể tích lớn, gấp hàng trăm lần, do đó có thể nhanh chóng khử khuẩn, diệt virus như Covid-19 trong 40 – 120 giây, khí ion trong plasma có thể thâm nhập qua mũi, miệng, hầu họng để giảm thiểu lượng virus trên đường hô hấp, hỗ trợ tiêu diệt virus Covid-19 và có hiệu quả điều trị vượt trội.

2. Điều trị các bệnh đường hô hấp, có tác dụng giảm đờm, thông đường hô hấp, tiêu diệt và giảm đáng kể các vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm đường hô hấp như Streptococcus, Mycoplasma, Staphylococcus, Haemophilus, Legionella, các khuẩn lao, các virus SARS-COV-2, sâu trong các mao mạch, phế nang phổi và hệ thống hô hấp, làm trẻ hóa mao mạch, tăng lượng oxy lên các mao mạch phổi, giảm nám phổi của những người nghiện thuốc, giảm thành phần và độc tính các hóa chất tồn dư trong phổi v.v.

3. An toàn tuyệt đối cho người và trang thiết bị, không dùng hóa chất, không phóng xạ, trường điện từ và tia UV ở ngưỡng cho phép, không gây ô nhiễm thứ cấp, thân thiện với môi trường, có thể nói đây là phương pháp khử khuẩn “khô” và “lành tính”. Những thiết bị này hoàn toàn an toàn với người, vì các ion, các hạt, các loài phản ứng trong tia plasma có năng lượng rất thấp < 1 eV, cũng tương tự, tia UV trong plasma cũng rất yếu, không có khả năng tác động lên các bộ phận con người. Điều này có thể thấy rõ trong việc ứng dụng CAP này rất an toàn ở nhiều nước phát triển đã nêu trên trong điều trị khoang miệng, nha chu, răng miệng, tai mũi họng, loét giác mạc và bắt đầu mở rộng sang điều trị ung thư có chọn lọc kết hợp với các phương pháp hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hiện hữu;

4. Tiêu tốn ít năng lượng, hoạt động ở áp suất khí quyển và nhiệt độ thường, tuổi thọ thiết bị cao, dễ dàng sử dụng và bảo trì.

Ngoài ra, GS Nguyễn Quốc Sỹ còn cho biết thông tin “hot” nhất là:

Với số lượng bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng, liệu pháp plasma đã cho kết quả khả quan trong điều trị coronavirus. Điều trị bằng plasma lạnh cũng đang được chào hàng như một phương thuốc hiệu quả chống lại đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Nhu cầu về liệu pháp plasma ngày càng tăng do khả năng sử dụng nó trong điều trị coronavirus. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh là một số quốc gia cũng đang xem xét liệu pháp plasma để giải quyết dễ dàng hơn cuộc khủng hoảng COVID-19 trên toàn thế giới. Vì vậy, không có lý do gì để nghi ngờ việc “Hệ thống buồng hấp plasma” là công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong việc kiểm soát, ngăn ngừa nhiễm virus và điều trị các bệnh nhiễm virus liên quan, trong đó có việc điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hơn nữa, về lâu dài Hệ thống này còn có thể sử dụng cho các khu cách ly, bệnh viện, cửa khẩu, các đơn vị nhà máy, xí nghiệp, giúp dập các loại dịch, chống lây nhiễm chéo ra cộng đồng. Tiếc rằng, Bộ Y tế ngỡ “đã có vàng mà để vàng rơi” thì thật buồn, nhất là lúc này, khi dịch bệnh vẫn chưa thật giảm theo chiều đi xuống một cách tích cực. Tôi mong rằng câu chuyện buồn này sớm đến với các vị lãnh đạo ở tầm cao hơn cấp bộ, ngành để sớm cho tìm hiểu và thẩm định kẻo lại như câu chuyện vaccine Nanocovax, chúng chưa được cấp phép để sản xuất nhưng đã có nước ký thỏa thuận với đơn vị chủ trì nghiên cứu để sản xuất bán ra quốc tế ngoài thị trường Việt Nam.

Quốc Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here