Tiến hành trùng tu tháp Chămpa ở Di sản thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam), chuyên gia Ấn Độ phát hiện con đường cổ rộng 8 m bị chôn vùi dưới lòng đất.
Con đường nghìn năm tuổi dưới chân tháp cổ ở Mỹ Sơn Con đường chìm dưới lòng đất ở Di sản thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) được cho là dành để vua chức, chức sắc dưới thời Chămpa cổ đi vào cúng tế ở khu trung tâm chánh điện.
Khoảng đầu tháng 3/2017, nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam bắt đầu thực hiện việc khai quật và trùng tu tháp K, nằm trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).
Quá trình trùng tu, họ đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như hai tượng đá thân người, đầu sư tử, chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ.
Đặc biệt nhóm còn phát hiện một con đường cổ rộng 8 m được dẫn bởi hai bờ tường song song (mỗi bờ tường rộng 0,6 m), bị chôn vùi ở độ sâu gần 1 m so với mặt đất. Bước đầu, các hiện vật và con đường được nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K (thế kỷ XI-XII).
Con đường cổ được phát lộ sau khi nhóm chuyên gia Ấn Độ tiến hành trùng tu tháp K Mỹ Sơn. Ảnh: Đắc Đức.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý Di sản Mỹ Sơn, cho hay, chuyên gia Ấn Độ chỉ mới khai quật 15 m chiều dài của con đường và bờ tường dẫn được đắp bằng gạch cổ. Hiện, Ban quản lý chưa biết con đường này kéo dài đến đâu.
“Theo các tài liệu thì con đường có thể là cổng ngõ đầu tiên được dành cho vua chúa, chức sắc cao quý của Chămpa đi vào các khu đền tháp trung tâm để cúng tế”, ông Hộ nói và cho hay tháp K vốn là tháp Cổng nhưng từ lâu đã thành phế tích do không được phục dựng, tôn tạo.
Tháp K dưới thời Chămpa được xem là tháp Cổng dẫn vào khu đền tháp ở chánh điện Mỹ Sơn. Ảnh: Đắc Đức.
Việc phát lộ tuyến đường cổ và bờ tường dẫn từ tháp K vào khu vực hành lễ được cho là sẽ làm phong phú thêm những giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật mà người xưa đã tạo lập trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
“Chúng tôi hy vọng các chuyên gia sẽ sớm vào cuộc để tiến hành nghiên cứu, xác định chính xác niên đại cũng như giá trị của con đường”, ông Hộ chia sẻ thêm.
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam), nơi phát hiện con đường cổ.