Theo chương trình Năm chéo hữu nghị Nga-Việt, hai bên tập trung nỗ lực phát triển nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Bao gồm cả nghiên cứu khoa học. Một ví dụ tốt về sự hợp tác trong lĩnh vực này là các hoạt động của nhóm nghiên cứu Việt – Nga trong Viện Công Nghệ VinIT thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Người khởi xướng thành lập và giám đốc của Viện Công nghệ VinIT là ông Nguyễn Quốc Sỹ. Trong 35 năm qua, ông sống và thực hiện các hoạt động nghiên cứu ở cả Việt Nam và Nga. Nhà vật lý, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ là Trưởng phòng thí nghiệm Plasma thuộc Trường Đại học Năng lượng Matxcơva.
Ông đã mời hàng chục đồng nghiệp Nga quan tâm đến các chủ đề nghiên cứu do ông đề xuất tham gia hoạt động chung với các nhà khoa học Việt Nam trong VinIT. Bao gồm cả các chuyên gia từ Đại học Năng lượng Matxcơva, từ Trung tâm nghiên cứu hạt nhân “Viện Kurchatov”, từ Viện Vật lý-Kỹ thuật và Viện Điện lực ở St. Petersburg, từ Viện Cổ sinh vật học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
“Chúng tôi đã xây dựng bầu không khí tâm lý trong tập thể”, – giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
“Chúng tôi đang thực hiện mấy dự án khoa học. Ví dụ, vấn đề xử lý nước – để có nước uống và nước sử dụng trong công nghiệp, cũng như lọc nước trước khi cấp vào ao nuôi tôm.
Có một dự án thú vị về việc sử dụng plasma lạnh kết hợp với laser để điều trị vết thương hở và vết cắt. Thiết bị thí điểm đã sẵn sàng, chúng tôi sắp chuẩn bị tài liệu kỹ thuật. Như dự kiến, trong 2-3 tháng tới, thiết bị này sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt – có rất nhiều người muốn mua thiết bị của chúng tôi.
Một dự án cực kỳ quan trọng là bảo vệ môi trường và tái chế rác thải. Mỗi ngày Việt Nam xả rất nhiều rác thải. Ví dụ, Hà Nội mỗi ngày phát sinh hơn 8 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt, và Thành phố Hồ Chí Minh – 12 nghìn tấn. Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng, cả việc chôn lấp và đốt rác thải đều không phù hợp với Việt Nam. Để chôn lấp rác thải phải có diện tích đất khá lớn, mà ở Việt Nam không có sẵn. Về phương pháp đốt rác phải nói rằng, vì ở Việt Nam không có hệ thống phân loại rác trước khi được đưa đi xử lý, thì trong quá trình đốt rác phát sinh nhiều chất ô nhiễm độc hại, kể cả khí độc ở nồng độ cao có thể gây chết người. Vấn đề xử lý rác thải rắn đô thị chỉ có thể được giải quyết bằng cách khí hóa bằng plasma”.
Tham gia nghiên cứu công nghệ mới này có Phó giáo sư Yuri Malakhov từ Viện Kỹ thuật điện Matxcơva. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông nói:
“Xử lý rác thải theo phương pháp khí hóa bằng plasma đòi hỏi đầu tư ít hơn so với đốt rác theo tiêu chuẩn. Khí hóa bằng plasma xảy ra ở nhiệt độ cao hơn nhiều – hơn 1500 độ C. Trong quá trình này, rác thải biến thành khí tổng hợp không chỉ vô hại với con người mà còn có thể được sử dụng làm nhiên liệu để tạo ra điện. Chúng tôi đã phát triển khu phức hợp bao gồm một nhà máy nhỏ để khí hóa bằng plasma và một nhà máy nhiệt điện mini chạy bằng khí tổng hợp. 60% điện năng được tạo ra sẽ được sử dụng trong quá trình khí hóa bằng plasma và 40% điện năng có thể được cung cấp cho những người tiêu dùng khác”.
Hai năm trước, các nhà khoa học của Nga và Việt Nam thu thành công lớn khi giới thiệu công nghệ này tại Hà Nội và một số tỉnh của Việt Nam. Nhiều doanh nhân Việt Nam thể hiện sự quan tâm lớn đến nó.
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho biết:
“Kể từ đó, chúng tôi đã thiết kế plasmatron dòng xoay chiều với công suất lên tới 500 kW. Bây giờ plasmatron trong giai đoạn thử nghiệm, thiết bị này được đặt trên lãnh thổ nhà máy sản xuất pin. Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện quy mô đầy đủ. Hiện có những đơn đặt hàng đầu tiên từ Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận các đơn đặt hàng từ cả Việt Nam và Nga, mà ở Nga việc xử lý rác thải cũng là một vấn đề rất nghiêm trọng”.
Một dự án khác mà các nhà khoa học của hai nước đang thực hiện trong 4 năm liền là bảo tồn các công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn.
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho biết:
“Dự án này không có tài trợ đặc biệt. Các công việc đang được thực hiện bằng lòng nhiệt tình. Các nhà khoa học Nga đến Mỹ Sơn trong kỳ nghỉ của họ, và tự tài trợ các chuyến đi này. Chỉ có những người bạn và đồng nghiệp giúp chúng tôi. Tuy nhiên, có được sự ủng hộ tinh thần của Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương là rất quan trọng. Chúng tôi đã được cấp quyền làm việc tự do tại Mỹ Sơn, không ai can thiệp vào các công việc của chúng tôi. Cơ quan hải quan đã bật đèn xanh để chúng tôi đưa gạch Mỹ Sơn đến Nga để nghiên cứu và sau đó mang về chúng”.
Ví dụ, các chuyên gia của Viện Cổ sinh vật học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Matxcơva nghiên cứu những viên gạch Mỹ Sơn và vật liệu kết dính gạch bằng phương pháp quang phổ hồng ngoại và điện tử, với sự trợ giúp của thiết bị X-quang đặc biệt, chụp cắt lớp. Đây là lần thứ năm, Tiến sỹ Alexey Pakhnevich, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện cổ sinh học, lên đường đi Mỹ Sơn. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông nói:
“Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới, là đối tượng số 949. Nhưng, đáng tiếc, thực tế này tự nó không làm chậm qúa trình hư hỏng. Các cuộc thám hiểm khoa học từ nhiều quốc gia cũng không thể làm chậm quá trình này. Và nếu không bắt tay giải quyết vấn đề ngay bây giờ, thì các thế hệ mai sau sẽ không thấy Mỹ Sơn. Đó là lý do tại sao nhóm nghiên cứu Nga-Việt của chúng tôi tham gia dự án này. Các cuốc nghiên cứu được thực hiện ở Matxcơva, còn các thí nghiệm – ở Mỹ Sơn. Chúng tôi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về thành phần khoáng sản và cấu trúc của những viên gạch cổ. Chúng tôi đã xác định gần đúng nhiệt độ nung gạch và loại cây nào đã được sử dụng để nung gạch. Tuy nhiên, chúng tôi thậm chí chưa đến giữa đường, vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví dụ, cần phải làm sáng tỏ những chất nào đã được sử dụng để kết dính gạch. Và những chất nào có thể được sử dụng hiệu quả nhất để chống lại rêu, địa y, các đợt mưa lũ phá hủy Mỹ Sơn”.
Trong khuôn khổ chương trình của VinIT, các nhà khoa học của Nga và Việt Nam không chỉ tham gia vào các dự án thực tế mà còn nghiên cứu các vấn đề khoa học cơ bản, – Giáo sư Sergei Popov, chuyên gia cao cấp từ Viện Kỹ thuật Điện và Điện lực của Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại St. Petersburg nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Giáo sư Popov cho biết:
“Một trong những định luật chính của Einstein nói rằng, tốc độ tối đa của photon trong chân không, tức là tốc độ ánh sáng là 300 000 km/s. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của chúng tôi trong phòng thí nghiệm đã gửi các photon bay qua một ống được làm nóng và ghi lại tốc độ của chúng cao hơn một phần ba, nghĩa là 400 000 km/s. Gần đây, một số phòng thí nghiệm khác trên thế giới cũng ghi nhận kết quả tương tự. Nhưng, các nhà khoa học chưa thể giải thích về mặt lý thuyết cho hiện tượng này. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng tranh luận với Einstein”.
Nguồn: vn.sputniknews.com