Viện Công nghệ VinIT 05 năm thành lập và những thành tựu nổi bật 21.09.2016-21.09.2021

0
694

TS Nguyễn Nghĩa – Thư ký Hội đồng khoa học, Viện công nghệ VinIT


Viện Công nghệ VinIT là tổ chức KH&CN non trẻ, thành lập vào tháng 09/2016, chính thức hoạt động từ tháng 02/2019. VinIT có đặc điểm là một tổ chức KH&CN tư nhân nhỏ bé, hoàn toàn tự chủ, tự lo kinh phí, địa điểm và cơ sở vật chất, mục tiêu nhiệm vụ và chương trình nghiên cứu, ứng dụng v.v. để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học theo hướng đa dạng hóa, lưỡng dụng, phục vụ dân sinh.

05 năm hình thành và phát triển

Viện Công nghệ VinIT được thành lập theo Quyết định số 689-QĐ-LHHVN ngày 21/09/2016 của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA). Viện trưởng VinIT được bổ nhiệm đầu tiên theo Quyết định số 692-QĐ-LHHVN ngày 21/09/2016 là anh Nguyễn Tiến Võ chịu trách nhiệm toàn diện và tổ chức và hoạt động của Viện Công nghệ VinIT. Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện là GS. VS. TSKH Nguyễn Quốc Sỹ. Ngày 11/06/2020, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam bổ nhiệm GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ giữ chức Viện trưởng VinIT.

Viện Công nghệ VinIT với đặc thù là tổ chức KH&CN tư nhân, tự chủ, tự trang trải 100% trong mọi khía cạnh, từ lên chương trình hoạt động, tự lo kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ, đến tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng sản phẩm, xây dựng chương trình hợp tác v.v. Tuy thành lập vào tháng 09/2016, nhưng thực ra đến tháng 02/2019 VinIT mới chính thức đi vào hoạt động.

VinIT đã trải qua quá trình 05 năm hình thành và phát triển (21/9/2016-21/9/2021) được chia theo 2 giai đoạn như sau.

Giai đoạn 1: 09/2016-01/2019. Trong thời gian này, GS Nguyễn Quốc Sỹ vẫn làm việc và giảng dạy tại Đai học Năng lượng quốc gia Moskva (MPEI) tại Liên bang Nga, hàng năm về nước 3-4 lần làm việc trong thời gian ngắn, trung bình 2-3 tuần, có nhiệm vụ làm việc với nhiều cơ quan và chính quyền các cấp để tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ đất nước, nắm bắt nhu cầu công nghệ, phát triển các ngành kỹ thuật, phát triển các khu công nghệ cao; tổ chức các hội thảo khoa học tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng về phát triển công nghệ cao, khu công nghệ cao, xử lý chất thải rắn bằng plasma; tiến hành khởi động làm thủ tục xây dựng khu công nghệ cao tại Quảng Nam; xây dựng mối quan hệ hợp tác KH&CN, mạng lưới công tác viên, và xây dựng đội ngũ ban đầu của VinIT khoảng 4-5 cán bộ. Tháng 09/2018, GS Nguyễn Quốc Sỹ chính thức trở về nước làm việc toàn thời gian và phát triển đội ngũ cán bộ lên 9-10 cán bộ.

Ngoài ra, VinIT còn tổ chức các đoàn chuyên gia Nga sang Việt Nam làm việc, tham dự các hội thảo khoa học. Tổ chức nghiên cứu nghiên cứu thăm dò trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nga về cổ sinh học. Tư vấn cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển năng lượng, trong đó có những đóng góp quan trọng cho quyết định hợp lý dừng triển khai dự án phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Giai đoạn 2: 02/2019-09/2021. Trên thực tế, VinIT bắt đầu làm việc thực sự với đội ngũ cán bộ KH&CN 10 người từ tháng 02/2019 và trải qua những chặng đường phát triển và lớn mạnh, đã tạo ra dự trữ trí tuệ rất giá trị với 23 đơn đăng ký sáng chế đã được công nhận, hàng chục sản phẩm là kết quả lao động sáng tạo với độ sẵn sàng công nghệ cao, ở đẳng cấp thế giới, đang chuẩn bị đưa vào sản xuất đại trà và đưa ra thị trường. Những thành tựu nổi bật của VinIT trong thời gian này:

1. Từ tháng 02/2019 đến tháng 04/2019, khởi động công tác nghiên cứu khoa học về sử dụng plasma lạnh áp suất khí quyển (CAP) trong điều trị làm lành vết thương, trong xử lý nước thải công nghiệp, xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược, tìm kiếm các đối tác chiến lược, thu hút nguồn vốn đầu tư.

2. Tháng 04/2019, VinIT bắt tay vào dự án thiết kế, chế tạo đầu phát plasma nhiệt công suất lớn cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt, một công trình mà đội ngũ chuyên gia nước ngoài hàng chục người đã phải mất 05 năm mới hoàn thành. Ngày 22/8/2019, VinIT đã đóng điện thành công đầu phát plasma nhiệt 03 pha công suất lớn 400 kW cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian chưa đầy 05 tháng, chính thức ghi tên vào hàng ngũ các nước chế tạo đầu phát plasma cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đứng sau Mỹ, Canada, Nga, Israel, Anh, Pháp, Nhật, v.v. Trong quá trình thực hiện dự án, VinIT đã hợp tác cùng với Công ty CP Chế tạo Máy biến thế Hà Nội (HBT).

3. Từ tháng 09/2019, VinIT tập trung vào ứng dụng công nghệ CAP vào các lĩnh vực điều trị y sinh, khử trùng bề mặt, xử lý nước thải, v.v.

4. Tháng 02/2020, VinIT đăng ký 02 sáng chế đầu tiên “Thiết bị phát tia plasma lạnh áp suất khí quyển sử dụng nguồn điện cao tần dùng để chữa trị vết thương” và “Hệ thống đầu phát plasma dòng điện ba pha dùng cho xử lý chất thải rắn”. Tháng 06/2020, VinIT đã đăng ký sáng chế “Hệ thống buồng khử khuẩn công nghệ plasma chống lây nhiễm chéo và diệt virus”, “Hệ thống thử nghiệm khử khuẩn bề mặt công nghệ plasma”. Đến nay, tổng cộng VinIT đã đăng ký 23 sáng chế (chuẩn bị đăng ký tiếp 06 sáng chế nữa) tại Cục sở hữu trí tuệ về áp dụng công nghệ plasma trong các lĩnh vực y sinh, xử lý và bảo quản hoa quả, nông sản phẩm, xử lý khử trùng trên người, khử trùng dụng cụ y tế, xử lý nước thải, sản xuất nước ion kiềm, sản xuất nước hoạt hóa plasma, xử lý chất thải rắn, v.v.

5. Tháng 02/2020, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, tiếp sau bùng phát tại Vũ Hán (cuối tháng 11/2019), GS Nguyễn Quốc Sỹ dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về tác dụng khử khuẩn của plasma lạnh đối với vi sinh vật và virus, đã nắm chắc công nghệ nên tự tin, chủ động đề xuất chế tạo buồng khử khuẩn/khử trùng cho người và trang thiết bị; và sau hơn 02 tháng thần tốc vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm và thiết kế, gia công chế tạo, với rất nhiều nỗ lực quên mình của tập thể các nhà khoa học VinIT, ngày 20/04/2020, đã đóng điện thành công buồng khử khuẩn/khử trùng này, trong khi trên thế giới các nhà khoa học Mỹ (Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma Princeton của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (PPPL), Viện Công nghệ New Jersey, Đại học California, Trường Y khoa Rutgers New Jersey, Đại học Michigan, Đại học George Washington, Đại học Michigan và Đại học Drexel), Đức (Viện Nghiên cứu và Công nghệ Plasma Leibniz E.V. (INP), Greifswald, Công ty Terraplasma Medical GmbH, Đại học Ludwig-Maximilians (LMU) Munich), Nga (Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo), Ấn Độ, Iran chỉ mới ở trong giai đoạn thí nghiệm và đề xuất ý tưởng có thể sử dụng plasma lạnh cho việc tiêu diệt SARS-CoV-2, và đăng ký xin tài trợ cho đề tài nghiên cứu thực hiện trong 02 năm (kết thúc năm 2021-2022) với hy vọng sau 2-3 năm nữa mới tạo ra sản phẩm thương mại hóa.

6. Sau thành công chế tạo buồng khử khuẩn công nghệ CAP chống lây nhiễm chéo và diệt virus cho người với kết quả thử nghiệm khử khuẩn/khử trùng rất tuyệt vời, GS Nguyễn Quốc Sỹ phát hiện ra tiềm năng to lớn của CAP trong lĩnh vực xử lý và bảo quản nông sản phẩm, thực phẩm, tăng cường nảy mầm và thúc đẩy tăng trưởng trong nông nghiệp ở quy mô công nghiệp, khử trùng thiết bị, dụng cụ y tế bằng cách tạo ra vùng plasma với mật độ lớn các hạt kích hoạt, các ion và tia cực tím UV, có tác dụng diệt khuẩn cao trên diện rộng, thể tích lớn, tức là ở quy mô công nghiệp, có thể thương mại hóa (hiện nay, trên thế giới đang ở giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, chưa có sản phẩm thương mại hóa trên thị trường). Kết quả thử nghiệm cho phép VinIT chế tạo thành công một loạt thiết bị khử khuẩn quy mô công nghiệp, và cuối tháng 04/2021 đã đưa buồng khử khuẩn bảo quản trái cây, rau củ vào ứng dụng tại Đắc Lắc.

7. VinIT đã nâng cấp và chế tạo Hệ thống buồng hấp plasma PlasDIF-S cho khử khuẩn và diệt virus và đã bàn giao cho doạnh nghiệp ở Hà Nam (14/09/2021). Ngoài ra, VinIT còn chế tạo thành công “Hệ thống thở khí ion cho khử khuẩn và diệt virus đường hô hấp” và “Hệ thống súng plasma phun khí ion cho khử khuẩn di động” phục vụ chống đại dịch Covid-19.

8. VinIT còn chế tạo thành công “nước hoạt hoá plasma” là môi trường plasma gián tiếp cho phép ứng dụng linh hoạt trong điều trị y sinh, mở rộng phạm vi bảo quản thực phẩm, nông sản phẩm sang hải sản. Trong quá trình nghiên cứu này, VinIT đã “ghé thăm” một lĩnh vực hoàn toàn khác, và sau 03 tháng nghiên cứu (tính từ tháng 09/2020) đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị tạo ion kiềm ở quy mô phòng thí nghiệm, đang chuẩn bị chuyển sang quy mô công nghiệp, đặt nền móng cho những bước đi đầu tiên vào lĩnh vực mới phục vụ tăng cường sức khỏe cho cộng đồng.

9. Một thành tựu nổi bật cuối cùng cần phải nhắc đến đó là sự ra đời của cuốn sách “Lý thuyết về vật lý plasma nhiệt độ thấp”, gần 500 trang do GS Nguyễn Quốc Sỹ biên tập năm 2017, sau hơn 30 năm giảng dạy và nghiên cứu công nghệ plasma, và do Công ty Springer Hoa Kỳ xuất bản. Rất thú vị được biết các nhà khoa học tại Đại học Michigan đã gọi tia plasma là đũa thần tia plasma (plasma jet wand) vì tính biến hóa linh hoạt khi sử dụng CAP cho các mục đích khác nhau. Vậy chính cuốn sách “Lý thuyết về vật lý plasma nhiệt độ thấp” là kim chỉ nam, là hướng dẫn phương pháp luận cho việc tạo ra những tia plasma lạnh kỳ diệu, thích hợp để xử lý mọi đối tượng trong nhiều lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật.

Gần 02 năm qua 2020-2021, trong tình hình đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động đời sống xã hội trong cả nước, hầu như nhịp độ và kết quả của phần lớn các đơn vị nghiên cứu khoa học trên thế giới và trong nước bị chững lại, nhưng guồng máy R&D của VinIT không những không dừng lại mà còn tăng tốc ngoạn mục, các nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS Nguyễn Quốc Sỹ ngày đêm làm việc quên mình, không ngừng nghỉ, gặt hái được nhiều thành công vang dội, vô cùng quan trọng. Đó chính là những thành quả nghiên cứu nổi trội, tạo ra bước ngoặt lớn để VinIT chuyển mình, vững bước trên con đường chinh phục các công nghệ CAP.

Con đường dẫn tới thành công

Trải qua 05 năm xây dụng và phát triển, Viện Công nghệ VinIT đã tạo ra nhiều kết quả, sản phẩm KH&CN to lớn, có thể đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát triển các lĩnh vực KH&CN hoàn toàn mới của đất nước. Có được thành công đó là do những nguyên nhân sau:

– Về lãnh đạo. VinIT sở hữu chuyên gia đầu đàn có năng lực lý thuyết và thực hành tốt về vật lý và công nghệ plasma, có bề dày kinh nghiệm triển khai các dự án R&D quốc tế và trong nước, có độ nhạy bén công nghệ và nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường, hơn nữa, cộng với tinh thần và nhiệt tình làm việc quên mình, quyết tâm cháy bỏng mong muốn góp phần đóng góp cho Tổ quốc. Chính lợi thế này giúp VinIT làm chủ các công nghệ lõi trong toàn bộ hệ thống thiết bị plasma lạnh là hệ thống đầu phát và lò phản ứng plasma lạnh.

– Về đội ngũ cán bộ và các cộng tác viên. VinIT có đội ngũ đầy nhiệt huyết là những thành viên cốt cán của VinIT từ giai đoạn đầu thành lập VinIT, trong đó có nhóm cán bộ trẻ tuổi tốt nghiệp ở Nga về, tràn đầy sinh lực. Tất cả họ là những người của công việc, tự giác cống hiến cho sự nghiệp khoa học. VinIT có đội ngũ cộng tác viên đông đảo trong và ngoài nước bao gồm các chuyên gia công nghệ lâu năm thuộc nhiều viện khoa học và công nghệ, các trường đại học, các kỹ sư từ các công ty, nhà máy, các cán bộ quản lý từ các bộ/ngành, các doanh nhân, các bác sĩ, luật sư, các cán bộ từ giới truyền thông, đặc biệt các cộng tác viên từ các viện nghiên cứu, trưởng đại học tại Liên bang Nga sẵn sàng hỗ trợ và phối hợp thực hiện các dự án R&D.

– Về phương thức tổ chức. Dưới sự chỉ đạo, phân công của lãnh đạo viện, gần chục cán bộ nòng cốt này đã được tổ chức và phân công vào các nhóm nghiên cứu khác nhau theo giai đoạn, do đó mặc dù đội ngũ cán bộ không lớn, nhưng làm được nhiều việc, nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện của các dự án.

Lời kết

Viện Công nghệ VinIT là tổ chức KH&CN non trẻ, mới thành lập vào tháng 09/2016, chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 02/2019, tính đến tháng 09/2021 mới được 2,5 năm. VinIT là tổ chức KH&CN tư nhân nhỏ bé, phải tự chủ, tự lo kinh phí, địa điểm và cơ sở vật chất, sau 2,5 năm hoạt động chưa nhận được sự tài trợ nào từ các Bộ/ngành, các cơ quan nhà nước và khu vực công nghiệp, ngoài sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của các lãnh đạo nhà nước, các đơn vị quản lý liên quan, giới truyền thông và các cộng tác viên.

VinIT có tiềm năng phát triển vượt bậc, có sức sống mãnh liệt, đối diện với những khó khăn, thách thức to lón, biết đoàn kết, tập hợp lực lượng, tổ chức hoạt động nghiên cứu một cách khoa học và sáng tạo để vươn lên và đạt được những thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ to lớn, tạo ra hàng loạt các sản phẩm KH&CN có giá trị lớn, có hàm lượng tri thức và sự khác biệt, đặt nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong tương lai.

05 năm qua, VinIT đã trưởng thành vượt bậc, vụt lớn lên từ cậu bé tí hon ngày nào, và đang thực hiện tốt phương châm “Từ Ý tưởng đến Nguyên mẫu”, “Từ Nguyên mẫu đến Sản phẩm” và “Từ Sản phẩm đến Thị trường” – vạch ra cả sứ mệnh và luật định để nghiên cứu cơ bản theo định hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu và đang được hiện thực hóa tại VinIT. Nước giàu thì dân mạnh, và đội ngũ cán bộ VinIT đã sẵn sàng cho những cuộc chiến đấu mới, trong đó có cả cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 hiện nay, đem ánh sáng của KH&CN soi rọi tới mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Đội ngũ cán bộ Viện Công nghệ VinIT nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước đất nước và nhân dân, luôn sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, gian khổ để đi đến chiến thắng, tự nhận lấy khó khăn, nhiệm vụ và trách nhiệm với mong muốn được phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Nhân kỷ niệm 05 năm thành lập VinIT chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, tin tưởng sâu sắc vào thành công của VinIT và kính chúc tập thể các nhà khoa học của VinIT dồi dào sức khỏe, chân cứng đá mềm, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân cả nước.

Hà Nội, 21/09/2021.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here